Báo Đấu thầu đã phỏng vấn ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương về dư địa cải thiện chỉ số này trong thời gian tới.
Đã có những ý kiến trái chiều khi cho rằng WB chưa đánh giá thực sự chuẩn xác về chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam, bởi thực sự chỉ số này đã có những cải thiện đáng kể. Quan điểm của ông ra sao?
Đúng là trên thực tế đã có những quan điểm khác nhau về chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam. Về phía WB, trong các báo cáo gần đây cho rằng chỉ số này không có sự cải thiện, thậm chí giảm bậc. Tuy nhiên, luồng ý kiến khác cho rằng, cách tính của WB là chưa thỏa đáng, bởi họ chưa thực sự cập nhật những bước tiến trong hoạt động cải cách chỉ số trên. Song, tôi cho rằng, mặc dù có quan điểm khác nhau về mức độ tin cậy của các dữ liệu WB công bố, tuy nhiên, bức tranh cơ bản WB phản ánh vẫn đúng thực tế và điều đó đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục thực hiện các giải pháp để cải thiện chỉ số này.
Vậy, thực trạng chỉ số này của Việt Nam so với các nước trên thế giới như thế nào, thưa ông?
Theo đánh giá của WB tại Doing Business, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam trong nhiều năm gần đây không có sự cải thiện, thậm chí là giảm bậc. Lý do là các nước khác đã “chạy” nhanh hơn, có sự cải thiện tốt hơn Việt Nam. Cụ thể, năm 2017, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam theo tính toán của WB gồm 9 thủ tục với 24 ngày; nhưng đến 2018 thì vẫn giữ nguyên về số thủ tục, còn số ngày thực hiện chỉ giảm được 2 ngày (còn 22 ngày) và xếp vị trí 123 trong bảng xếp hạng.
So sánh chỉ số này với các nước trong bảng xếp hạng, xét về mặt thủ tục, các nước châu Á - Thái Bình Dương là 7 thủ tục, các nước trong khối OECD là 9 thủ tục. Ngay trong khối ASEAN, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam cũng thua kém nhiều nước cả về số thủ tục và số ngày thực hiện. Đơn cử, Thái Lan xếp thứ 26 với 5 thủ tục, thời gian 4,5 ngày; Malaysia xếp thứ 24 với 5 thủ tục, thời gian thực hiện 18 ngày…
Đúng như nhận xét trên, theo tôi, có thể thấy rất rõ dư địa lớn trong việc cải cách chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam.
Đầu tiên là cải cách thủ tục về dấu. Sau gần 3 năm thi hành Luật DN mới, những cải cách ban đầu về dấu trên thực tế đã phát huy tác dụng, được xã hội chấp nhận, cơ bản không phát sinh vấn đề gì. Do đó, chúng ta có thể xem xét bãi bỏ hoàn toàn thủ tục này để toàn bộ con dấu của DN là do DN toàn quyền quyết định, từ đó bỏ hẳn thủ tục thông báo mẫu dấu và khắc dấu. Đây là vấn đề nên được xem xét, nếu thực hiện sẽ giảm 2 thủ tục và bớt được 6 ngày.
Thứ hai là thủ tục mở tài khoản ngân hàng đang được WB tính là 1 thủ tục với thời gian thực hiện 1 ngày. Hiện trong hồ sơ đăng ký kinh doanh của DN vẫn đang bắt buộc phải có thông tin về tài khoản nên buộc DN phải mở được tài khoản và hoàn thiện tờ thông tin về tài khoản gửi cho cơ quan thuế thì mới có thể hoạt động được. Để cải cách, chúng ta có thể chuyển thủ tục mở tài khoản và thông báo tài khoản kèm ngay trong lần khai thuế đầu tiên để công bố tài khoản theo quy định. Như vậy, mở tài khoản sẽ không còn là một thủ tục riêng rẽ và bắt buộc nữa, mà tạo điều kiện cho DN hoạt động ngay sau khi đăng ký kinh doanh. Cải cách này giúp chúng ta bỏ thêm được 1 thủ tục và 1 ngày.
Bên cạnh đó, hiện thời hạn in hóa đơn và mua hóa đơn vẫn được WB ghi nhận là 10 ngày. Thời gian này là dài quá mức cần thiết. Trong khi đó, tôi được biết, ngành thuế cũng có những cải cách liên quan đến việc in và mua hóa đơn nhằm giảm thời gian. Mặc dù vậy, trên thực tế, chúng ta chưa thấy có những tác động tích cực của thủ tục thuế.
Với thực trạng này, năm 2018, cơ quan thuế cần giảm ít nhất từ 50 - 70% số thời gian mua hóa đơn hoặc in hóa đơn mới giúp ích thực sự đối với những cải cách gia nhập thị trường của DN.
Các cải cách nhằm cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh theo ông có quá khó để thực hiện?
Tôi hoàn toàn nhìn thấy tính khả thi trong cải cách chỉ số khởi sự kinh doanh. Chúng ta có thể cắt bỏ ngay 3 thủ tục nêu trên, từ đó số ngày thực hiện thủ tục nói chung trong chỉ số này sẽ giảm tới 10 ngày, tức là chỉ còn khoảng 12-13 ngày.
Đặc biệt, khi những cải cách nêu trên được hiện thực hóa ngay trong năm nay, tôi ước đoán, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam trong bảng xếp hạng của WB hoàn toàn có thể ở thứ hạng khoảng 70 - một sự cải thiện đáng kể so với thứ hạng 123 hiện nay.
Điều có ý nghĩa thực chất nằm phía sau cải cách là mang lại lợi ích thực sự cho DN và đất nước. Đó là số ngày thực hiện thủ tục giảm xuống, đồng nghĩa với tăng cơ hội và giảm chi phí kinh doanh; tiếp đó là hình ảnh, chất lượng môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ được cải thiện mạnh mẽ hơn trong mắt các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài.