Hoạch định tầm nhìn dài hạn cho phát triển Quảng Ngãi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đến thời điểm hiện tại, Đồ án quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được hoàn thiện trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhìn lại chặng đường từ khi bắt tay vào thực hiện công việc, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, Đồ án quy hoạch cơ bản đáp ứng được đề bài mà Tỉnh đặt ra cho đơn vị tư vấn. Từ đây, Quảng Ngãi đã lựa chọn được mô hình phát triển kinh tế - xã hội phù hợp.
Quảng Ngãi sẽ dần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững và mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Hà Minh
Quảng Ngãi sẽ dần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững và mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Hà Minh

Nhận diện đầy đủ những cơ hội và thách thức là điều kiện tiên quyết để tạo lập một quy hoạch phù hợp cho sự phát triển địa phương gắn với tổng thể quốc gia và, đây có lẽ là yêu cầu đầu tiên mà Quảng Ngãi đặt ra khi bắt tay vào làm quy hoạch Tỉnh, thưa ông?

Ông Đặng Văn Minh

Ông Đặng Văn Minh

Từ đầu năm 2022, tại nội dung thông qua báo cáo đầu kỳ, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, các sở, ngành, địa phương liên quan cùng với tư vấn đã tập trung phân tích, đánh giá khá đầy đủ các điều kiện tự nhiên, xã hội. Đồng thời, nhận diện thực trạng phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn Tỉnh cũng như các lợi thế, tiềm năng và cơ hội, thách thức. Từ đây, các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển của Tỉnh trong 10 năm và 30 năm tới được đưa ra làm cơ sở định hướng đơn vị tư vấn hoàn thiện báo cáo đầu kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ.

Việc nhận diện, định hình cho từng không gian phát triển trong Đồ án quy hoạch cũng là hướng tới mục tiêu khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng khu vực, từng vùng, chủ động đón đầu các xu thế phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. Đó cũng là cơ hội bảo đảm sự phát triển của Quảng Ngãi trong tương lai, dự báo được tốc độ bứt phá trong sự phát triển hài hòa giữa 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường.

Ông có thể minh chứng những bất cập trong cơ cấu và tốc độ phát triển kinh tế của Quảng Ngãi các giai đoạn vừa qua để có cơ sở, định hướng và bước đi cụ thể trong thời gian tới?

Trong các giai đoạn trước, GRDP của Quảng Ngãi tuy có tăng trưởng nhưng không duy trì ổn định (giai đoạn 2011 - 2015 tăng trưởng bình quân đạt 8,4%/năm, tuy nhiên giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đạt 4,9%/năm). Quy mô kinh tế của Quảng Ngãi đang ở mức trung bình so với các tỉnh, thành phố trong vùng duyên hải miền Trung và đang dần chậm lại. Cơ cấu các ngành kinh tế đang thay đổi theo hướng công nghiệp hóa nhưng tốc độ chuyển dịch còn chậm, sức lan tỏa của ngành công nghiệp chủ lực còn hạn chế.

Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với quy mô nhỏ, hiệu quả thấp, thiếu chiều sâu; hạ tầng chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Sức lan tỏa của các vùng động lực, đặc biệt là khu vực TP. Quảng Ngãi và huyện Bình Sơn ra các khu vực khác còn hạn chế; du lịch có rất nhiều tiềm năng đa dạng, nhưng việc khai thác còn đơn sơ, nhỏ lẻ, thiếu liên kết.

Một chiến lược đúng sẽ giúp địa phương phát triển vượt bậc. Hẳn trong công tác lập quy hoạch, Quảng Ngãi đã có những bước đi rất thận trọng?

Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hoạch định tầm nhìn dài hạn để phát triển tỉnh Quảng Ngãi. Đây được xem là công cụ đặc biệt quan trọng và là tiền đề để tỉnh Quảng Ngãi phát triển toàn diện, hài hòa và bền vững trong tương lai.

Chính vì lẽ đó, trong thời gian qua, Tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện công tác lập quy hoạch với tinh thần hết sức nghiêm túc, trách nhiệm, cầu thị, khẩn trương. Đến nay, tiến độ lập quy hoạch cơ bản sát với kế hoạch, lộ trình đề ra.

Bên cạnh đó, chúng tôi xác định xuyên suốt đây là sản phẩm kết tinh trí tuệ của cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ngãi, với sự đóng góp của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp nên đồ án quy hoạch đã bám sát vào thực tế phát triển của Quảng Ngãi, của khu vực và cả nước. Từ đó, có thể đưa ra những kịch bản, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đột phá cho địa phương phát triển toàn diện, hài hòa, bền vững trong 10 năm và định hướng cho 30 năm đến.

Ông có thể chia sẻ những định hướng chiến lược, cơ bản trong giai đoạn phát triển tới của Quảng Ngãi?

Về định hướng phát triển, đơn vị tư vấn đưa ra 3 kịch bản. Trong đó, kịch bản 1 là phát triển theo hướng đa trung tâm, kịch bản 2 là phát triển theo hướng công nghiệp hóa toàn diện và kịch bản 3 là phát triển theo hướng hài hòa và bền vững.

Qua phân tích, Tỉnh chọn kịch bản 3. Theo đó, trong giai đoạn 2021- 2030, các lĩnh vực công nghiệp nền tảng như xăng dầu, thép… vẫn là đầu tàu dẫn dắt sự phát triển. Đến giai đoạn sau năm 2030, sẽ phân bổ nguồn lực để dần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phù hợp với xu thế phát triển bền vững và mang lại giá trị kinh tế cao như công nghiệp, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông, lâm nghiệp và thủy sản chất lượng cao, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng.

Tỉnh Quảng Ngãi xác định, muốn phát triển khá, bền vững thì cần có một quy hoạch toàn diện, có tính khả thi cao cho cả trước mắt và lâu dài. Vì thế, khi quy hoạch được phê duyệt, Tỉnh sẽ ưu tiên dành nguồn lực tài chính khẩn trương triển khai các bước tiếp theo. Mục tiêu đề ra là đến năm 2025, Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá của miền Trung, đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.

Quảng Ngãi phải hết sức chú ý đến công tác quy hoạch, phát triển liên kết vùng

“Quảng Ngãi cần tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các nghị quyết, gắn với xây dựng Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên cơ sở bám sát các định hướng của quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng để khai thác, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của Tỉnh trên cơ sở khai thác tối đa lợi thế hiện có, phát triển các vùng động lực. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại. Đồng thời, bảo đảm gắn công tác quy hoạch với kết nối vùng; tính toán kỹ bài toán giữa bảo tồn với phát triển, giữa phát triển nhanh và bền vững, giữa công nghiệp hóa và đô thị hóa, giữa đô thị và nông thôn mới. Quảng Ngãi phải hết sức chú ý đến công tác quy hoạch, phát triển liên kết vùng. Đặc biệt, dựa vào kết quả tổng kết đánh giá của Nghị quyết 39-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ. Làm sao khi quy hoạch phải thể hiện điều này trong sự phát triển của miền Trung nói chung”.

(Trích ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi ngày 26/7/2022).

Chuyên đề