Hoá giải nguy cơ thiếu điện phục vụ tăng trưởng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua với mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5%. Để thực hiện mục tiêu này, việc bảo đảm cung ứng điện ổn định cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng là một yếu tố rất quan trọng. Những giải pháp bảo đảm cung ứng điện đang được tích cực triển khai, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, tốc độ thực hiện cần phải nhanh và quyết liệt hơn nữa.
Đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các dự án phát điện, truyền tải điện vào vận hành sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Ảnh minh họa: Song Lê
Đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các dự án phát điện, truyền tải điện vào vận hành sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Ảnh minh họa: Song Lê

Trước thông tin về việc Intel có thể tạm hoãn kế hoạch mở rộng nhà máy sản xuất chip bán dẫn ở Việt Nam, một số chuyên gia về công nghệ chia sẻ, bảo đảm nguồn cung điện ổn định phục vụ cho sản xuất, nhất là sản xuất chip là vô cùng quan trọng. Bởi trong sản xuất chip bán dẫn, chỉ cần ngừng điện 1 giây sẽ khiến toàn bộ máy móc thiết bị tạm dừng hoạt động, gây sai lệch làm hư chip, dẫn đến DN thiệt hại hàng chục, trăm triệu USD.

Nguồn cung ứng điện ổn định cũng vô cùng quan trọng đối với các ngành sản xuất khác, trong đó có sản xuất nhôm. Theo Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam, việc mất điện đột ngột khiến cho dây chuyền sản xuất bị dừng lại, sản phẩm bị hư hỏng không thể khắc phục. Việc này không chỉ gây ảnh hưởng đến sản phẩm hàng hóa, tiến độ sản xuất kinh doanh mà còn gây nhiều thiệt hại khó lường cho DN.

Nhìn từ những câu chuyện trên cho thấy, việc bảo đảm cung ứng điện ổn định phục vụ cho sản xuất có vai trò sống còn với các DN. Đây cũng là một trong những yếu tố để Việt Nam thúc đẩy sản xuất trong nước cũng như “ghi điểm” trong thu hút các nguồn lực đầu tư, trong đó có dòng vốn FDI, góp phần thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới.

Tại Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Quốc hội, một trong những giải pháp trọng tâm để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 là kiên quyết không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Cuối tháng 10/2023, tại cuộc họp giữa Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về tình hình và công tác bảo đảm điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong những tháng cuối năm 2023 và năm 2024, theo tính toán của Bộ Công Thương, để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng này, việc cân đối cung - cầu điện năm 2024 có thể tăng trưởng phụ tải điện từ 6% đến 8,96%. Hệ thống điện đủ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong hầu hết các kịch bản. Tuy nhiên, ở kịch bản cực đoan, khi nhu cầu điện tăng cao và tình hình thủy văn ở mức thấp, khu vực miền Bắc có thể thiếu điện.

Trong khi đó, tại báo cáo gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia về tình hình thực hiện các dự án điện trọng điểm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào tháng 8/2023, EVN cho biết, nhiều dự án nguồn và lưới đang chậm tiến độ do còn vướng mắc trong đầu tư xây dựng như: Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch I, Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Dự án Đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống...

Để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế, việc cân đối cung - cầu điện năm 2024 có thể tăng trưởng phụ tải điện từ 6% đến 8,96%. Ảnh: Lê Tiên

Để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế, việc cân đối cung - cầu điện năm 2024 có thể tăng trưởng phụ tải điện từ 6% đến 8,96%. Ảnh: Lê Tiên

Về triển khai đàm phán các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, EVN và các đơn vị liên quan chưa triển khai kịp thời chỉ đạo, chậm trễ trong công tác phối hợp với các chủ đầu tư dự án hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến EVN để đưa dự án điện gió, điện mặt trời vào vận hành.

Để đảm bảo cung ứng điện, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, cơ quan liên quan, yêu cầu các cơ quan, đơn vị và người đứng đầu căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ động thực hiện trên nguyên tắc dứt khoát không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Nguyễn Thành Sơn, chuyên gia về năng lượng cho rằng, để kịch bản thiếu điện không xảy ra vào mùa khô ở miền Bắc, trước hết, Kế hoạch hành động triển khai Quy hoạch điện VIII cần nhanh chóng được hoàn thiện và phê duyệt để đưa vào triển khai. “Nếu việc ban hành Kế hoạch tiếp tục chậm trễ như hiện nay thì việc thiếu nguồn cung bổ sung càng lớn. Khả năng thiếu điện thời gian tới là rất cao”, ông Sơn nhấn mạnh.

Cần tính đến các phương án nhập khẩu và chuẩn bị kỹ lưỡng điều kiện kỹ thuật để nhập khẩu điện, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho năm 2024. Ngoài ra, cần có cơ chế để huy động ngay nguồn điện tái tạo một cách phù hợp, nhằm giải quyết nhu cầu tức thời của năm 2024.

Ông Sơn cũng cho rằng, cần phải siết khâu sử dụng điện sao cho hiệu quả. “Cần siết khâu sử dụng điện bằng việc áp định mức cung cấp điện đối với một số ngành sản xuất có mức độ tiêu thụ điện lớn, nhưng còn sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều điện năng như: xi măng, sắt thép, hóa chất… Điều này nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng điện, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo hướng hiệu quả như Nghị quyết của Đảng đặt ra”, ông Sơn nhấn mạnh.

Một giải pháp để hóa giải thách thức cung ứng điện cho miền Bắc năm tới cũng được chuyên gia năng lượng này nhắc tới là tăng tốc thực hiện Dự án Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch tới Phố Nối; tiếp tục điều chỉnh giá điện phù hợp để thúc đẩy sử dụng điện hiệu quả cũng như tăng thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện…

PGS. TS. Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc cho rằng, ngoài nỗ lực đưa nhanh các nhà máy, đường dây truyền tải điện vào vận hành, cần tính đến các phương án nhập khẩu và chuẩn bị kỹ lưỡng điều kiện kỹ thuật để nhập khẩu điện, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho năm 2024. Ngoài ra, cần có cơ chế để huy động ngay nguồn điện tái tạo một cách phù hợp, nhằm giải quyết nhu cầu tức thời của năm 2024.

Với nguồn năng lượng tái tạo, Kết luận của Thường trực Chính phủ về các giải pháp đảm bảo cung ứng điện năm 2024 cũng nhấn mạnh giải pháp, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định giá điện đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành nhưng chưa được ký hợp đồng mua bán điện để tận dụng khai thác tối đa các nguồn điện có sẵn, tránh lãng phí trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, công khai, minh bạch, không tiêu cực, lợi ích nhóm...

Về phía EVN, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc cho biết, EVN đã chủ động các kịch bản bảo đảm cung ứng điện cho năm 2024 gửi Bộ Công Thương. Theo ông Lâm, biến đổi khí hậu diễn ra nặng nề, mưa ít, thủy văn khó khăn nên nguồn thủy điện bị hạn chế. Để bảo đảm cung ứng điện, EVN đã làm việc với các đối tác nhằm bảo đảm cung cấp than, khí cho sản xuất điện; kêu gọi người dân tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả…

Hy vọng rằng, với những giải pháp bảo đảm cung ứng điện đã và đang được triển khai, nỗi lo về nguồn điện cho phát triển sẽ được hóa giải, góp phần giúp các DN yên tâm đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng năm 2024 như đặt ra.

Chuyên đề