Hỗ trợ lãi suất: Không để kéo dài tình trạng chính sách trên giấy

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phát biểu tại Hội trường Quốc hội ngày 1/6, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Bình, nêu quan điểm: “Về chính sách hỗ trợ lãi suất, nếu ban hành văn bản nhưng không có cơ chế phù hợp để thực hiện thì sẽ dẫn đến tình trạng dù có quy định, ngân hàng cũng không dám cho vay”.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm được các doanh nghiệp và người dân rất kỳ vọng.

Trước kỳ họp Quốc hội 3 ngày, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31 quy định về việc hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay bằng đồng Việt Nam phát sinh từ hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại (NHTM). Nghị định đã hiện thực hóa việc giảm lãi suất 2% nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để tạo động lực phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất - kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, và các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, quá trình thực hiện đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các bộ, ngành phải kịp thời hướng dẫn các NHTM, đặc biệt là đối với các NHTM đã đạt hạn mức tín dụng.

“Thực tế tại Quảng Bình, nhiều chủ cơ sở du lịch nhỏ chưa thể tiếp cận vốn vay của ngân hàng để tu sửa, dù du lịch hiện nay đang phục hồi tốt và đang bước vào mùa cao điểm. Nếu ban hành văn bản nhưng không có cơ chế phù hợp để thực hiện thì sẽ dẫn đến tình trạng dù có quy định, ngân hàng cũng không dám cho vay khi hộ kinh doanh có tài sản thế chấp, theo đó sẽ lãng phí cơ hội phục hồi của nhiều thành phần kinh tế. Vì vậy, các ngân hàng cần linh hoạt triển khai việc cho vay thông qua tín chấp hoặc tài sản kinh doanh hiện có”, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nêu quan điểm.

Còn theo đại biểu Tạ Minh Tâm, đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, theo quy định, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ lãi suất 2% trong 2 năm 2022 - 2023 đối với các khoản vay thương mại nhưng để nhận được hỗ trợ này phải kèm theo tiêu chí có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi.

“Tôi cho rằng, điểm này nếu không được quy định chi tiết, minh bạch, rõ ràng thì rất dễ biến thành điểm nghẽn trong việc tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ này”, đại biểu Tạ Minh Tâm nói.

Trước đó, tại Hội nghị ngành ngân hàng về triển khai gói hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: “Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% là một giải pháp bổ sung, và thời gian tới sẽ song hành cùng với các giải pháp mà ngành ngân hàng đã, đang và sẽ triển khai (bao gồm cả chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội - NHCSXH) nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, tận dụng thời cơ phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh trong tình hình mới, góp phần kích thích cả phía cung và cầu, tạo nền tảng để tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ theo hướng bền vững hơn".

Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị các đơn vị trong Ngành khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, phối hợp với cơ quan, chính quyền địa phương, đơn vị liên quan nhằm đảm bảo thực hiện hỗ trợ lãi suất đúng quy định, đúng đối tượng, đúng mục đích; ngăn chặn các sai phạm, rủi ro, trục lợi chính sách. Đồng thời, NHNN cũng chỉ đạo các đơn vị thuộc NHNN, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, NHCSXH tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các chương trình hiện nay NHCSXH đang thực hiện theo Nghị quyết 43/2022/QH15 và Nghị quyết 11/NQ-CP.

Bên cạnh việc triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất 2%, các NHTM tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo chỉ đạo của NHNN; chủ động xử lý khó khăn và kịp thời phản ánh với NHNN, lãnh đạo UBND tỉnh về các vướng mắc, đề xuất kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện...

Phó Thống đốc cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác truyền thông về chính sách hỗ trợ lãi suất để khách hàng nắm bắt được thông tin và sớm được tiếp cận chính sách. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt và xử lý các khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả thực thi chính sách.

Chuyên đề