Hỗ trợ lãi suất cần thực hiện nhanh, đơn giản, minh bạch

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều doanh nghiệp đang cạn kiệt nguồn lực tài chính nên gói hỗ trợ lãi suất 2% được kỳ vọng sẽ góp phần giảm bớt khó khăn, từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh. Mặc dù việc giải ngân cần thận trọng để đến đúng đối tượng và giảm tác động tiêu cực với nền kinh tế, song thủ tục thực hiện phải đơn giản.
Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% là rất thiết thực trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang cạn kiệt nguồn lực tài chính do tác động của dịch Covid-19 kéo dài. Ảnh: Song Lê
Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% là rất thiết thực trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang cạn kiệt nguồn lực tài chính do tác động của dịch Covid-19 kéo dài. Ảnh: Song Lê

Hỗ trợ lãi suất là một trong những chính sách được nêu tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15.

Cụ thể, hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong các ngành, lĩnh vực: hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo (đã bao gồm máy móc, trang thiết bị, thuốc, hóa dược, dược liệu); xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.

Nghị quyết cũng nêu rõ nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là trong quý I năm 2022, chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo quy định; trên cơ sở đó, ban hành thông tư hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện.

Ngân hàng Nhà nước cho biết đang xây dựng các quy định triển khai nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ. Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuần trước, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, sẽ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với NHNN để triển khai gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm triển khai sớm, hiệu quả, đúng đối tượng, đúng mục tiêu.

TS. Mạc Quốc Anh, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ đang cạn kiệt nguồn lực tài chính do tác động của dịch Covid-19 kéo dài. Do đó, doanh nghiệp rất mong được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị quyết 11. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phản ánh, các chính sách được Chính phủ ban hành nhanh và kịp thời, song việc triển khai thực thi còn chậm. Với chính sách cấp bù lãi suất cũng vậy, cần triển khai nhanh, thủ tục đơn giản thì doanh nghiệp mới được hưởng lợi.

Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, ở thời điểm này, doanh nghiệp du lịch cần vốn để kinh doanh nên chính sách hỗ trợ lãi suất 2% là rất thiết thực. “Dù vậy, nếu thủ tục phức tạp thì nhiều doanh nghiệp sẽ ngại thực hiện. Do đó, cần hướng dẫn cụ thể, đơn giản, xét duyệt minh bạch thì doanh nghiệp mới tiếp cận được”, ông Bình nói.

Từ góc độ khác, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI) cho rằng, cần thận trọng với chính sách hỗ trợ lãi suất trong giai đoạn lạm phát đang có rủi ro tăng cao, nếu giải ngân ồ ạt có thể gây ra những tác động tiêu cực với nền kinh tế. “Ngay cả khi chưa triển khai gói hỗ trợ này, mặt bằng lãi suất huy động đã rục rịch tăng. Giá nguyên vật liệu trong nước và trên thế giới đều có xu hướng đi lên. Do đó, nếu cung tiền tăng mạnh sẽ có thể dẫn đến những hệ lụy đáng ngại”, ông Minh nói.

Theo ông Minh, nếu làm nhanh quá thì ngại không đúng đối tượng còn làm chậm quá thì giảm ý nghĩa hỗ trợ. Do đó, cần công khai, minh bạch, cụ thể các điều kiện hỗ trợ. Hiện có quan điểm cho rằng để Bộ Tài chính hoặc một cơ quan nhà nước xét duyệt hồ sơ của từng doanh nghiệp, song theo ông Minh, cách làm như thế có thể dẫn đến tình trạng quan liêu, xét duyệt kéo dài. Thay vào đó, nên để ngân hàng thương mại xét duyệt và quyết định giải ngân, cơ quan quản lý nhà nước nêu rõ các đối tượng cụ thể với tiêu chí hỗ trợ rõ ràng, minh bạch để tránh tiêu cực.

“Kinh nghiệm từ gói hỗ trợ lãi suất năm 2010 cho thấy, giải ngân quá vội vàng sẽ dẫn đến thiếu cẩn trọng trong xét duyệt, nhiều trường hợp giải ngân không đúng đối tượng thụ hưởng. Thời điểm đó, nhiều doanh nghiệp “hợp thức hóa” thủ tục để hưởng chính sách như thông qua công ty con, thành lập doanh nghiệp nhỏ… Xét trong điều kiện hiện nay, thận trọng vẫn là cần thiết”, ông Minh nhấn mạnh.

Chuyên đề