Hình thức đầu tư BT hấp dẫn “ông trùm” BOT Tasco

(BĐT) - Ngày 26/4, Công ty CP Tasco (mã HUT) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2017. Tại Đại hội, Ban điều hành Công ty đã hé lộ hướng làm ăn mới trong năm 2017.
Ảnh minh họa. Ảnh Internet
Ảnh minh họa. Ảnh Internet

Lãi đậm nhờ bất động sản

Theo báo cáo kết quả kinh doanh được công bố, doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh hợp nhất năm 2016 của Tasco đạt 2.960 tỷ đồng, tương đương 123% so với kế hoạch năm và tăng trưởng 31% so với năm 2015. Lợi nhuận sau thuế đạt 403 tỷ đồng, tương đương 106% so với kế hoạch năm và tăng trưởng 151% so với năm 2015.

Tasco cho biết, doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2016 tăng mạnh so với năm 2015 chủ yếu là do Công ty đã thực hiện bàn giao nhà cho khách hàng tại Dự án Khu nhà ở sinh thái Xuân Phương (Foresa Villa).

Sang quý I/2017, đóng góp chính trong kết quả kinh doanh tiếp tục là mảng bất động sản với doanh thu đạt 399 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 63%. Trong khi đó, hoạt động thu phí giao thông đường bộ đạt 150 tỷ đồng, chiếm 24%; mảng xây dựng và kinh doanh vật liệu xây dựng đã mang lại doanh thu 81 tỷ đồng, chiếm 13%.

Theo tài liệu gửi tới cổ đông, Tasco cho biết sẽ tập trung vào 3 mảng chính là đầu tư bất động sản, y tế và thu phí tự động không dừng. Trong khi đó, mảng BOT – vốn là lĩnh vực đã gắn bó hơn 10 năm và mang lại doanh thu lớn cho Công ty những năm trước lại không được đề cập đến. Theo lý giải của ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Tasco thì đầu tư vào BOT khá nhiều rủi ro.

Lãnh đạo Tasco cũng cho rằng, tỷ suất sinh lời hàng năm từ các dự án BOT khoảng 11,5% là không hấp dẫn trong khi thời gian thu hồi vốn rất lâu. Trao đổi thêm với phóng viên bên lề Đại hội, ông Phạm Quang Dũng cũng cho rằng, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) còn nhiều vướng mắc, cản trở hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng hiện nay còn nhiều bất cập cũng là một trong lý do khiến các chủ đầu tư nản lòng.

Thực tế, nhìn vào kết quả kinh doanh năm 2016 và quý I/2017 cũng dễ hiểu được với quyết định “giãn” BOT chuyển hướng sang lĩnh vực bất động sản của công ty này. Bởi dù là “tay chơi mới” trong lĩnh vực bất động sản, tuy nhiên Tasco lại đang sở hữu lợi thế với quỹ đất khá dồi dào. Với hình thức “đổi đất lấy hạ tầng”, Tasco sở hữu một diện tích đất xây dựng khá lớn ở Khu đô thị Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội)… 

Tập trung tìm kiếm dự án “đổi đất lấy hạ tầng”

Với hình thức “đổi đất lấy hạ tầng”, Công ty CP Tasco đang sở hữu một diện tích đất xây dựng khá lớn ở Khu đô thị mới Xuân Phương (Hà Nội).
Trong tài liệu gửi tới cổ đông, Ban lãnh đạo Tasco cho biết sẽ tập trung hàng đầu vào lĩnh vực bất động sản trong 5 năm tới. Trong đó, lấy năng lực lõi là chủ đầu tư các dự án hạ tầng giao thông để đầu tư bất động sản theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng - BT.

Hiện Tasco đang thực hiện Dự án đường Lê Đức Thọ - Khu đô thị mới Xuân Phương (điểm cuối giao đường 70) theo hình thức BT. Dự án được khởi công từ năm 2009, với tổng chiều dài khoảng 3,5 km, tổng mức đầu tư là 1.543 tỷ đồng. Dự kiến, ngày 30/4/2017, tuyến đường sẽ được thông xe và đưa vào sử dụng.

Để hoàn vốn cho việc thực hiện dự án này, TP. Hà Nội trả cho Tasco gần 50 ha đất ở Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ngoài ra còn có 3.000m2 tại số 48 Trần Duy Hưng hiện đang được công ty này xây dựng Dự án Toà nhà văn phòng và chung cư cao 25 tầng.

Theo chia sẻ từ lãnh đạo Tasco, thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội đầu tư dự án hạ tầng theo hình thức BT, hoàn vốn bằng kinh doanh các khu đô thị ở địa bàn Hà Nội.

Với chiến lược kinh doanh này, Tasco đặt mục tiêu khá tham vọng. Cụ thể, trong năm 2017, Công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 3.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 450 tỷ đồng. Đến năm 2021, con số này sẽ là 7.500 tỷ đồng (doanh thu) và 1.125 tỷ đồng (lợi nhuận). Trong đó, doanh thu chủ yếu sẽ đến từ lĩnh vực bất động sản.

Chuyên đề