Các em học sinh hào hứng trong giờ uống sữa học đường. Ảnh: Phạm Hùng |
Đến nay, hơn 87% học sinh lứa tuổi mầm non và tiểu học trên toàn Thành phố đã tham gia Chương trình. Hàng triệu ly sữa mỗi ngày được Vinamilk cung cấp cho trẻ em Hà Nội. Trong mỗi ly sữa đó là sự dày công nghiên cứu về thành phần để đảm bảo cung cấp đầy đủ các vi chất cần thiết cho trẻ. Chương trình Sữa học đường tại Hà Nội đang từng bước lan tỏa niềm tin trong cộng đồng, hứa hẹn một chương trình xã hội hóa thành công và là “dấu son” để nhân rộng sang nhiều tỉnh thành.
Phụ huynh học sinh tin tưởng hãng sữa
Nhớ lại những ngày đầu khi kêu gọi phụ huynh tham gia Chương trình Sữa học đường, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Phú Xuyên (huyện Phú Xuyên) Vũ Thị Lương chia sẻ, buổi họp phụ huynh đầu năm học 2018 - 2019, Nhà trường phát phiếu đăng ký cho con uống sữa học đường, không ít phụ huynh đã không đồng thuận vì có nhiều băn khoăn về Chương trình.
“Trên mạng xã hội có rất nhiều thông tin trái chiều xung quanh Chương trình, đơn vị nào cung cấp chưa rõ, chất lượng sữa ra sao cũng chưa biết nên phụ huynh lo lắng là có lý. Tuy nhiên, khi biết Vinamilk là đơn vị cung cấp sữa học đường tại Hà Nội, chất lượng và thành phần dinh dưỡng trong sữa được công bố, đặc biệt, khi hiểu được tầm quan trọng của sữa với sự phát triển chiều cao của trẻ và ý nghĩa nhân văn của Chương trình, hầu hết phụ huynh đều đồng thuận”, bà Vũ Thị Lương chia sẻ.
Tại Trường Tiểu học Cát Linh (quận Đống Đa), tỷ lệ học sinh đăng ký uống sữa học đường tăng liên tục trong 3 tháng qua. Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Thủy cho biết, ngay từ khi Chương trình bắt đầu triển khai, tỷ lệ học sinh ở Trường tham gia đã đạt 95%. Mỗi tháng lại thêm một số em đăng ký tham gia, phần lớn học sinh không đăng ký là những em bị dị ứng với sữa. “Các em học sinh đều rất hào hứng khi được uống sữa, đến thời điểm này không có trường hợp nào bị ngộ độc hay gặp vấn đề sức khỏe sau uống sữa”, cô Thủy cho hay.
Bên cạnh đó, cô Thủy cũng nhận được một số phản hồi từ phía phụ huynh về việc có thông tin cho rằng sữa học đường ở Hà Nội bổ sung 14 vitamin và khoáng chất không đúng quy định. Tuy nhiên, chưa có phụ huynh nào rút đăng ký của con. Cũng theo cô Thủy, việc bảo quản sữa và phân phát sữa về lớp được thực hiện đúng theo quy định. Một số phụ huynh đã chủ động đến trường kiểm tra, quan sát các con trong giờ uống sữa đều cảm thấy hài lòng.
Anh Phạm Thế Cường (phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Cát Linh) cho biết, cả 2 con anh đều tham gia Chương trình và anh nhận thấy các cháu “có da có thịt” hơn kể từ khi uống sữa đều. “Ở nhà để uống hết một hộp sữa tôi phải nịnh con đủ trò nhưng ở lớp các cháu tự uống hết lại còn biết gấp vỏ hộp gọn gàng. Đây thực sự là một chương trình nhân văn và có ý nghĩa”, anh Cường khẳng định.
Bổ sung thêm các vi chất cần thiết
Trong công văn gửi Sở GD&ĐT Hà Nội, Vinamilk khẳng định, 14 vitamin và khoáng chất bổ sung thêm đã trải qua quá trình nghiên cứu lâm sàng, có bằng chứng khoa học của Viện Dinh dưỡng quốc gia, được xác nhận hiệu quả trong nghiên cứu cải thiện tình trạng dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng của trẻ em lứa tuổi học đường.
Phó Trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng thuộc Viện Dinh dưỡng quốc gia Việt Nam Trần Khánh Vân khẳng định, việc bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất được thực hiện từ lâu ở các nước trên thế giới. Không chỉ bổ sung vào sữa mà các vi chất này còn được bổ sung ở nhiều loại thực phẩm khác. “Hàm lượng của các loại vi chất dinh dưỡng được bổ sung vào sữa học đường của Vinamilk phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới dành cho trẻ từ 6 tháng đến 12 tuổi, nằm trong mức yêu cầu của Dự thảo Sữa học đường và phù hợp với giá trị trung bình theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng quốc gia trong 100 ml sữa”, bác sĩ Trần Khánh Vân nhấn mạnh.
Ví dụ, chỉ tiêu Iod trong giá trị trung bình trên nhãn sản phẩm 100 ml của sữa học đường Vinamilk là 18 ug thì giá trị trung bình theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng quốc gia trong 100 ml cũng là 18 ug. Chỉ tiêu này trong Dự thảo Sữa học đường với 100 ml là 14,3 - 18,8 ug. Mức chỉ tiêu này trong một hộp sữa 180 ml đáp ứng 36% nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam ở độ tuổi từ 1 - 9 tuổi, 27% cho độ tuổi từ 10 - 12.
Hay như đối với chỉ tiêu Kẽm, giá trị trung bình trên nhãn sản phẩm 100 ml là 1,2 mg thì giá trị trung bình theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng quốc gia trong 100 ml cũng là 1,2 mg. Chỉ tiêu này trong Dự thảo Sữa học đường với 100 ml là 1,1 - 1,6 mg. Mức chỉ tiêu này trong một hộp sữa 180 ml đáp ứng 52,7% nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam ở độ tuổi từ 1 - 3 tuổi, 42,4% cho độ tuổi từ 4 - 6 tuổi, 38,6% cho độ tuổi từ 7 - 9 và 22,3% cho độ tuổi từ 10 - 12.
Theo bác sĩ Trần Khánh Vân, việc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm đã được nghiên cứu thực tế về việc thiếu vi chất dinh dưỡng của người Việt Nam tại từng khu vực. Đơn cử như chế độ ăn của trẻ em Việt Nam hiện nay đang khá nghèo nàn và thiếu vi chất dinh dưỡng. Tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi khoảng 28%, thiếu kẽm khoảng 69%... Chính vì vậy, việc tăng cường vitamin và khoáng chất vào các nguồn thực phẩm là cần thiết.
14 vitamin và khoáng chất bổ sung thêm đã trải qua quá trình nghiên cứu lâm sàng, có bằng chứng khoa học của Viện Dinh dưỡng quốc gia, được xác nhận hiệu quả trong nghiên cứu cải thiện tình trạng dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng của trẻ em lứa tuổi học đường. Việc bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất hoàn toàn phù hợp với định hướng, ý nghĩa nhân văn và mục tiêu của Chương trình Sữa học đường.
Đề án Sữa học đường đưa ra khuyến cáo bổ sung 3 vi chất là canxi, vitamin D và sắt. Đây là 3 vi chất liên quan trực tiếp đến tăng trưởng chiều cao, phòng chống thiếu máu, thiếu sắt. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong nhưng vi chất quan trọng tối thiểu phải có. Một sản phẩm tốt cho dinh dưỡng và tăng trưởng ở trẻ cần phải có nhiều vi chất dinh dưỡng hơn như vậy. Theo khuyến nghị ngoài chất đạm, chất béo và đường bột thì cần có vitamin A, D, K2…và một số khoáng chất khác.