Ảnh Internet |
Nhà đầu tư chiến lược hụt hơi
Theo phương án cổ phần hóa được UBND TP. Hà Nội ký duyệt ngày 11/8/2015, Hanel dự kiến chào bán cho 2 cổ đông chiến lược 61% vốn điều lệ, Nhà nước chỉ sở hữu 29% vốn điều lệ, bán cho người lao động 0,06% và đấu giá ra công chúng 9,94%.
Ngày 20/4/2016, 19,1 triệu cổ phần (9,94% vốn điều lệ) của Hanel đã được bán đấu giá với giá khởi điểm đúng bằng mệnh giá: 10.000 đồng. Tuy nhiên, phiên IPO đã diễn ra không thành công khi chỉ 3,9 triệu cổ phần, tương đương 20,4% lượng chào bán được mua với giá bình quân 10.004 đồng/CP.
Còn hai nhà đầu tư chiến lược được phê duyệt là Công ty CP Công nghệ Tiến Việt, mua 36% và Công ty Sebrina Holdings của Singapore mua 25% cũng không thu xếp được nguồn vốn để thực hiện cam kết mua cổ phần. Do vậy, theo quy định hiện hành, hai nhà đầu tư này không còn là cổ đông chiến lược của Hanel sau cổ phần hóa.
Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, Công ty CP Công nghệ Tiến Việt mới chỉ được thành lập vào ngày 16/7/2015, trước thời điểm phương án cổ phần hóa của Hanel được UBND TP. Hà Nội phê duyệt 1 tháng. Việc lựa chọn doanh nghiệp này làm cổ đông chiến lược của Hanel với tỷ lệ nắm giữ là 36% đến nay vẫn là dấu hỏi.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Hanel cho biết, Sebrina Holdings đã đủ điều kiện để trở thành cổ đông chiến lược của Công ty. Và nhà đầu tư nước ngoài này đã giới thiệu Công ty CP Công nghệ Tiến Việt là nhà đầu tư chiến lược thứ hai, mặc dù mới được thành lập nhưng đã chứng minh đủ nguồn lực tài chính để mua 36% cổ phần của Hanel. Vì vậy, UBND Thành phố mới trình phương án cổ đông chiến lược này và Thủ tướng đã phê duyệt. Còn về số tiền đặt cọc mua cổ phần thì chỉ có Sebrina đặt cọc 48 tỷ đồng.
Đại diện Hanel cũng cho biết, DN này đã báo cáo UBND TP. Hà Nội và Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 về kế hoạch thoái vốn trong năm 2018 theo kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, cần xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm tháng 6/2018 để làm căn cứ xác định giá khởi điểm khi đấu giá cổ phần, phấn đấu thoái thành công toàn bộ 98% vốn nhà nước trong năm 2018.
Vì sao chậm trễ lên UPCoM?
Đối với Hanel, khi thực hiện cổ phần hóa đã phải tiến hành điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ, theo đó Nhà nước vẫn sở hữu 97,93% vốn điều lệ do 2 nhà đầu tư chiến lược đã không thực hiện cam kết mua cổ phần. Chủ trương của UBND TP. Hà Nội muốn chuyển nhượng phần vốn nhà nước cho các cổ đông lớn có hoạt động kinh doanh lĩnh vực tương đồng với Công ty. Do đó, đến thời điểm hiện tại, Công ty chưa thực hiện việc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.
Tuy nhiên, thực hiện lộ trình thoái vốn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Hanel đặt mục tiêu thực hiện việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán và chuyển nhượng phần vốn nhà nước cho các nhà đầu tư trong năm 2018.
Về nội dung Công ty không công bố báo cáo tài chính, đại diện Hanel cho biết, đến thời điểm 27/6/2017, Hanel mới chính thức được cấp giấy chứng nhận kinh doanh lần đầu. Công ty đã hoàn thành việc lập và kiểm toán báo cáo tài chính tại thời điểm chuyển sang CTCP và báo cáo tài chính đã trình Sở Tài chính Hà Nội thẩm định, UBND TP. Hà Nội phê duyệt. Do chưa có kết quả chính thức của các cơ quan nêu trên nên Công ty chưa thể công bố trên website.