Doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần nhận thức rõ rủi ro về gian lận xuất xứ để hoạt động kinh doanh minh bạch. Ảnh: Tiên Giang |
Để ngăn chặn, hạn chế rủi ro về gian lận xuất xứ, doanh nghiệp (DN) trước hết phải hoạt động kinh doanh minh bạch, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ.
Tại cuộc Đối thoại hạn chế rủi ro về gian lận xuất xứ và phòng vệ thương mại trong hoạt động xuất khẩu diễn ra sáng 19/12, tại Hà Nội, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương cho biết, các biện pháp phòng vệ thương mại hiện nay được xem là một phần quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia, bởi đây là những công cụ chính sách được Tổ chức Thương mại thế giới cho phép để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước tránh thiệt hại từ hàng nhập khẩu.
Theo ông Dũng, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ toàn cầu và lẩn tránh phòng vệ thương mại có ảnh hưởng đến Việt Nam từ các nước có thể tăng lên. Vì vậy, DN cần có nhận thức đầy đủ về nguy cơ xảy ra các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, điều tra gian lận xuất xứ hàng hóa và có sự chuẩn bị để tránh ảnh hưởng bất lợi đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu.
Đề cập về hành vi gian lận xuất xứ và chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp nhằm lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, gian lận xuất xứ ngày càng gia tăng có nguy cơ cản trở xuất khẩu của Việt Nam, làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín hàng xuất khẩu. “Hành vi này chỉ đem lại lợi ích nhất thời cho một vài DN song lại làm tăng chi phí và nguồn lực rất lớn của các DN làm ăn chân chính khi muốn chứng minh sự tuân thủ quy định của các thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, hành vi này làm giảm lợi ích mà Việt Nam có được từ các nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế”, ông Trung nhấn mạnh.
Theo đại diện Cục Phòng vệ thương mại, hành vi gian lận xuất xứ để lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại có 2 dạng. Một là lẩn tránh đơn giản với hành vi chủ yếu là chuyển tải hàng hóa sang nước thứ 3 để lấy xuất xứ hoặc khai sai xuất xứ, mô tả sản phẩm, nhãn hàng hóa, khai giá trị nhập khẩu thấp hơn thực tế. Hai là lẩn tránh phức tạp với việc lắp ráp tại nước thứ ba hoặc tại nước nhập khẩu, thông qua công ty có mức thuế thấp hơn, thông qua hệ thống công ty đa quốc gia…
Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa thuộc Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, gian lận xuất xứ dưới dạng nhập khẩu nguyên liệu nhưng lại bán thành phẩm khá phổ biến. Điển hình như sản phẩm khăn lụa, DN nhập cả chiếc khăn, nhưng chỉ có thao tác thêm một đường diềm xung quanh chiếc khăn cũng nghiễm nhiên coi đó là sản phẩm khăn “Made in Vietnam”.
Để hạn chế rủi ro về gian lận xuất xứ, ông Trung khuyến nghị không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; nắm vững quy định về xuất xứ; cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý về các hành vi nghi ngờ gian lận xuất xứ; và hợp tác với các cơ quan chức năng.
Luật sư Christopher Corr, Công ty White & Case cho rằng, các DN xuất khẩu của Việt Nam cần nhận thức rõ rủi ro về gian lận xuất xứ để hoạt động kinh doanh minh bạch, bài bản, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.