Ham trái phiếu lãi cao, coi chừng nhận “trái đắng”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi liên tục đi xuống, trái phiếu được phát hành bởi doanh nghiệp với lãi suất lên đến hơn 10%/năm được xem là kênh đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, lãi suất cao đi kèm với rủi ro cao, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp đang phải chống chọi với dịch Covid-19.
Nhóm bất động sản xếp vị trí thứ 2 về giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp 7 tháng năm 2021 với tổng khối lượng phát hành 75,8 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Nhóm bất động sản xếp vị trí thứ 2 về giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp 7 tháng năm 2021 với tổng khối lượng phát hành 75,8 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Nhìn lại báo cáo về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu của các doanh nghiệp gửi về Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, đã có những doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thanh toán tiền lãi cho nhà đầu tư. Đơn cử như Công ty CP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân đã phải thỏa thuận lại với các trái chủ về phương án thanh toán tiền lãi trái phiếu từ kỳ hạn 3 tháng/lần thành trả toàn bộ lãi vào cuối kỳ do gặp khó khăn trong kinh doanh.

Theo số liệu của HNX và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), 7 tháng đầu năm 2021, nhóm doanh nghiệp bất động sản có giá trị phát hành trái phiếu cao thứ 2 (sau các nhà băng) với tổng giá trị 75,8 nghìn tỷ đồng, nhưng là nhóm có lãi suất phát hành cao nhất, dao động trong khoảng 8 - 13%/năm. Trong đó có khoảng 15% lượng trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. Đơn cử như Công ty CP Thương mại Vinh - Plaza, trong khoảng thời gian từ 22/3 - 7/5/2021 đã huy động thành công 527,46 tỷ đồng trái phiếu. Đây là trái phiếu không có tài sản bảo đảm, lãi suất cố định 11%/năm. Hay Công ty CP Bất động sản Mỹ thu về 1.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu vào tháng 6 vừa qua. Lô trái phiếu không có tài sản bảo đảm này có lãi suất kỳ đầu tiên là 10%/năm và các kỳ tiếp theo bằng 3% cộng mức tham chiếu…

Đã có những doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thanh toán tiền lãi cho nhà đầu tư. Đơn cử như Công ty CP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân đã phải thỏa thuận lại với các trái chủ về phương án thanh toán tiền lãi trái phiếu từ kỳ hạn 3 tháng/lần thành trả toàn bộ lãi vào cuối kỳ do gặp khó khăn trong kinh doanh.

Cảnh báo về những rủi ro khi mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, rủi ro tăng lên trong bối cảnh nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Một số trái phiếu nếu được ngân hàng cam kết bảo lãnh thanh toán sẽ có rủi ro thấp nhưng thường lãi suất thấp. Còn lãi suất trái phiếu cao phần nhiều từ doanh nghiệp bất động sản không có tài sản bảo đảm.

Ông Hiếu cũng cảnh báo, số lượng trái phiếu phát hành riêng lẻ gấp nhiều lần phát hành ra công chúng, bởi phát hành ra công chúng yêu cầu nhiều điều kiện ngặt nghèo. Mặc dù quy định TPDN phát hành riêng lẻ chỉ chào bán cho nhà đầu tư chuyên nghiệp nhưng không có gì bảo đảm lượng trái phiếu đó không đi vào công chúng.

Mới đây, Bộ Tài chính đã cảnh báo rủi ro khi đầu tư vào TPDN, đặc biệt là trái phiếu có lãi suất cao được phát hành bởi các doanh nghiệp bất động sản. Vụ Tài chính ngân hàng thuộc Bộ Tài chính khuyến nghị, không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Trái phiếu cần được đánh giá, phân tích trên các khía cạnh về lĩnh vực hoạt động, doanh nghiệp phát hành, tình hình tài chính, mục đích sử dụng vốn, chất lượng tài sản bảo đảm cũng như các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.

Chuyên đề