Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh:Reuters. |
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/3 ký một sắc lệnh hành pháp hạn chế nhập cảnh mới áp dụng với công dân nhiều quốc gia Hồi giáo, nhưng bất ngờ loại Iraq ra khỏi danh sách dù công dân nước này từng bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh cấm nhập cảnh đầu tiên của ông.
Theo bình luận viên Stephen Dinan của Washington Times, quyết định loại Iraq ra khỏi danh sách cấm công dân nhập cảnh của Trump khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi quốc gia này vẫn đang phải chiến đấu chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), thế nên nguy cơ các phần tử IS cực đoan trà trộn, nhập cảnh vào Mỹ để gây tội ác là hiện hữu.
Iraq là một trong 7 quốc gia Hồi giáo bị nêu tên trong sắc lệnh cấm nhập cảnh đầu tiên của ông Trump, khiến công dân nước này không được phép đến Mỹ trong thời hạn 90 ngày. Iraq đã phản ứng dữ dội với động thái này và nhiều chuyên gia cho rằng nếu không có sự thay đổi trong sắc lệnh thứ hai, Trump có nguy cơ hủy hoại mối quan hệ giữa hai nước vốn được củng cố trong cuộc chiến chống IS.
"Iraq là một đồng minh quan trọng trong cuộc chiến đánh bại IS, với những người lính dũng cảm sát cánh chiến đấu với các binh sĩ Mỹ", Ngoại trưởng Rex Tillerson tuyên bố hôm 6/3 khi giải thích về sắc lệnh mới của ông Trump. Ông cũng nói rằng Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi xứng đáng được tin cậy đặc biệt vì giữ vững cam kết hợp tác với Mỹ.
Các quan chức Mỹ cũng nói rằng đây là một phần thưởng cho những nỗ lực của Iraq trong cuộc chiến chống IS. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng công dân Iraq nhập cảnh vào Mỹ thoát khỏi chương trình "thẩm tra nghiêm ngặt" mà ông Trump đề ra phần lớn là nhờ nỗ lực của chính phủ nước này trong việc đáp ứng mục tiêu chính trị lớn nhất của Trump: buộc các nước phải nhận lại người nhập cư phạm tội trên đất Mỹ.
Cuộc chiến trục xuất
Binh sĩ Iraq chiến đấu chống IS. Ảnh:Aljazerra
Danh sách 7 nước trong lệnh hạn chế nhập cảnh đầu tiên của ông Trump dựa trên một biện pháp được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2015 nhằm tăng cường việc giám sát đi lại đối với công dân những quốc gia bị coi là có nguy cơ tấn công khủng bố ở Mỹ.
Tuy nhiên các quan chức chính quyền Trump nói rằng một lý do nữa mà họ đưa ra sắc lệnh thứ nhất là vì công dân 7 nước này có tỷ lệ cư trú tại Mỹ quá thời hạn thị thực rất cao, biến họ thành những người nhập cư bất hợp pháp. Một số kẻ tham gia vụ khủng bố ngày 11/9/2001 cũng là những người bị quá hạn visa ở Mỹ.
Thế nhưng khi Mỹ trục xuất công dân 7 nước này, chính phủ các nước đó kiên quyết không nhận lại, có nghĩa là nhà chức trách Mỹ không thể đưa được những người nhập cư bất hợp pháp ra khỏi lãnh thổ của mình.
"Ngay cả khi Mỹ phát hiện ai đó là phần tử khủng bố từ một trong 7 nước này trên lãnh thổ của mình hay đang làm thủ tục vào Mỹ, việc trả họ về quê hương là khó khăn hơn rất nhiều", một quan chức Bộ An ninh Nội địa Mỹ thừa nhận.
Trường hợp điển hình nhất là vụ một người đàn ông Haiti bị bắt vì âm mưu giết người. Tuy nhiên chính phủ Haiti từ chối nhận lại người này khi ông ta mãn hạn tù, buộc các quan chức Hải quan và Xuất nhập cảnh Mỹ (ICE) phải thả tự do cho ông ta. Vài tháng sau, ông ta sát hại một phụ nữ trẻ ở Connecticut, sau khi tranh chấp ma túy với bạn trai cô này.
Từ 2012 đến 2016, Iraq cũng đã từ chối nhận lại 160 công dân phạm tội bị Mỹ trục xuất, theo số liệu từ Viện Luật Cải cách Nhập cư. Các nước khác trong danh sách 7 quốc gia hạn chế nhập cảnh của ông Trump cũng không chịu nhận lại hàng trăm công dân bị Mỹ trục xuất.
Tuy nhiên, sau khi Trump ký sắc lệnh hạn chế nhập cảnh thứ nhất, chính phủ Iraq đã có những biến chuyển rõ rệt trong việc hợp tác với Mỹ tiếp nhận những người nhập cư trái phép bị trục xuất.
"Dù vẫn bị coi là một quốc gia thiếu hợp tác, chính phủ Iraq đã bắt đầu có những bước đi để nhận lại những công dân bị Mỹ trục xuất. Đây là điều vô cùng quan trọng", một quan chức ICE cho biết.
Cảnh sát Mỹ vây bắt người nhập cư bất hợp pháp
Dale Wilcox, giám đốc Viện Luật Cải cách Nhập cư, cho rằng trường hợp của Iraq minh chứng rằng lời đe dọa hạn chế hoặc khước từ thị thực nhập cảnh có thể buộc các quốc gia phải hợp tác với Mỹ.
"Dù những người tiền nhiệm chưa bao giờ thực thi quyền lực này, Tổng thống Trump đã hiện thực hóa nó trong sắc lệnh hạn chế nhập cảnh thứ nhất, và như chúng ta đang thấy, nó dường như đang phát huy hiệu quả", ông Wilcox nói.
Tuy nhiên, bình luận viên Dinan cho rằng chiến thắng trên của ông Trump vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an ninh của nước Mỹ. Ít nhất 19 công dân Iraq bị phát hiện có liên hệ với các âm mưu tấn công khủng bố ở Mỹ kể từ sau vụ 11/9, theo bản phân tích dữ liệu quốc hội của Trung tâm Nghiên cứu Nhập cư.