Hải Dương hụt kế hoạch giải ngân đầu tư công 2022

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo UBND tỉnh Hải Dương, giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 5/12/2022 là 4.226,4 tỷ đồng, đạt 64,7% kế hoạch. Tổng vốn giải ngân năm 2022 ước đạt 6.036,1 tỷ đồng, bằng 92,4% kế hoạch. Dự báo, việc thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 phải đối mặt với nhiều khó khăn, nên Hải Dương đã đề ra nhiều giải pháp với mục tiêu quyết tâm về đích.
Giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Hải Dương năm 2022 ước đạt 6.036,1 tỷ đồng, bằng 92,4% kế hoạch. Ảnh: Tiên Giang
Giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Hải Dương năm 2022 ước đạt 6.036,1 tỷ đồng, bằng 92,4% kế hoạch. Ảnh: Tiên Giang

Giải ngân chậm chủ yếu do nguyên nhân chủ quan

Đánh giá về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022, UBND tỉnh Hải Dương cho biết, tổng kế hoạch đầu tư công năm nay là 7.136,1 tỷ đồng. Tính đến ngày 5/12, tổng vốn đầu tư công giải ngân là 4.226,4 tỷ đồng, đạt 64,7% kế hoạch. Trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách địa phương đạt 68,8%; vốn ngân sách trung ương nguồn trong nước đạt 55,6%, vốn nước ngoài đạt 44,7%. Ước tính cả năm 2022, giải ngân vốn đầu tư công toàn Tỉnh đạt khoảng 6.036,1 tỷ đồng, bằng 92,4% kế hoạch.

Cập nhật tiến độ một số dự án đầu tư công của Tỉnh cũng cho thấy, công tác giải ngân vốn chưa được như mong đợi. Đơn cử, Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai I - đoạn từ xã Liên Hồng đến xã Ngọc Sơn (TP. Hải Dương) giai đoạn 2021 - 2023 là một trong những công trình trọng điểm của Thành phố, có tổng mức đầu tư 885,6 tỷ đồng, nhưng tiến độ thực hiện cũng như tiến độ giải ngân chưa đáp ứng kế hoạch đề ra, do nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện, chủ yếu về vốn.

Được khởi công năm 2019, Dự án Đường vào Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đoạn từ Quốc lộ 37 vào đền Kiếp Bạc, TP. Chí Linh (tổng mức đầu tư 783,6 tỷ đồng) cũng có tiến độ giải ngân thấp. Giải ngân vốn đầu tư đến thời điểm hiện tại đạt 316,5 tỷ đồng, bằng 40,4% tổng mức đầu tư…

Đề cập về nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 không đạt kế hoạch, tại Kỳ họp thứ 12 HĐND Tỉnh khóa XVII vừa diễn ra, ông Lê Hồng Diên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tỉnh cho biết, có nhiều nguyên nhân, bao gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan là ảnh hưởng của dịch Covid-19; giá cả nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng cao, gây khó khăn cho nhà thầu, đặc biệt là các nhà thầu ký hợp đồng trọn gói có tâm lý thi công cầm chừng, chờ chính sách điều chỉnh giá hợp đồng; một số dự án đến những tháng cuối năm mới được giao kế hoạch vốn…

Song theo ông Diên, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Đó là công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có lúc, có nơi chưa kịp thời, còn lúng túng, bị động, thiếu quyết liệt, chưa nắm chắc tình hình. Một số chủ đầu tư chưa tập trung, quyết liệt, chưa thực sự sâu sát trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, phối hợp với nhà thầu lập hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành, nghiệm thu khối lượng hoàn thành, thực hiện giải ngân vốn đầu tư, ngại giải ngân nhiều lần. Năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu... còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, công tác lập hồ sơ bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), chỉ đạo GPMB của một số địa phương chưa quyết liệt, chưa kịp thời tập trung tháo gỡ vướng mắc, dẫn đến tiến độ thực hiện chậm…

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu

Về kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, theo UBND tỉnh Hải Dương, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách địa phương năm tới của Tỉnh là 4.714,904 tỷ đồng, việc thực hiện kế hoạch dự báo có nhiều khó khăn, thách thức. Đó là, tình hình thời tiết phức tạp, giá cả hàng hóa tăng cao... ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cân đối và huy động các nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh đó, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao; vẫn còn một số dự án vướng mắc về GPMB kéo dài, chưa được giải quyết dứt điểm...

Để hoàn thành kế hoạch đề ra, UBND Tỉnh chỉ đạo các giải pháp chủ yếu như: tăng cường rà soát để đảm bảo các dự án được bố trí vốn năm 2023 có đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công; vốn phân bổ cho từng dự án phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên quy định; tăng cường kiểm tra hiện trường để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, bất cập; lựa chọn chủ đầu tư, nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý, thực hiện dự án; xử lý nghiêm các tổ chức, người đứng đầu và cá nhân liên quan gây khó khăn, chậm trễ trong việc giao và giải ngân vốn đầu tư công…

UBND Tỉnh nhấn mạnh, kết quả giải ngân của từng dự án là căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2023. Trường hợp không hoàn thành giải ngân theo kế hoạch, sẽ kiểm điểm trách nhiệm tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan. Nếu năm 2023 giải ngân vốn đầu tư công không đạt 100% kế hoạch, thì tổ chức kiểm điểm trách nhiệm và không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan.

Chuyên đề