Hà Nội thu hơn 11.000 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ đầu năm đến nay, tổng số tiền trúng đấu giá của các địa phương tại Hà Nội đạt trên 11.000 tỷ đồng, trong khi năm 2023 đạt khoảng 9.200 tỷ đồng.
Phiên đấu giá đất tại Hoài Đức, Hà Nội
Phiên đấu giá đất tại Hoài Đức, Hà Nội

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội, thị trường đấu giá đất ở Hà Nội những tháng gần đây rất sôi động với sự gia tăng đột biến về số lượng và giá trị trúng đấu giá.

Tại quận Long Biên, đấu giá đất đạt 194,74% kế hoạch năm 2024, tương đương 5.242,54 tỷ đồng; huyện Mê Linh đạt 244% kế hoạch với 1.324,21 tỷ đồng; huyện Phú Xuyên thu hơn 331 tỷ đồng, đạt 115,4% kế hoạch; huyện Quốc Oai đạt hơn 420 tỷ đồng (dự kiến, từ nay đến cuối năm thu thêm 250 - 300 tỷ đồng, đưa tổng thu đấu giá đất năm 2024 lên khoảng 600 - 700 tỷ đồng, vượt kế hoạch giao). Ngoài ra, các huyện Gia Lâm, Chương Mỹ… cũng đạt hơn 50% kế hoạch.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội khẳng định, quy trình, thủ tục đấu giá đất của các địa phương tuân thủ chặt chẽ chỉ đạo và văn bản hướng dẫn của cơ quan chức năng, đặc biệt là bám sát tinh thần của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn. Các phiên đấu giá đất được thực hiện đúng quy định, bảo đảm minh bạch.

Đề cập đến hiện tượng giá đất bị đẩy cao quá mức và một số người trúng đấu giá bỏ cọc, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội cho biết, tình trạng này chỉ xảy ra ở một số lô đất cá biệt, không phản ánh toàn cảnh của thị trường đấu giá đất.

Tuy nhiên, để tránh việc cố tình bỏ giá cao bất thường so với mặt bằng chung của khu vực rồi bỏ cọc, gây nhiễu loạn thị trường, thất thu ngân sách và khó khăn cho đơn vị tổ chức đấu giá, Sở đã đưa ra một số biện pháp bảo đảm tính minh bạch, công bằng trong đấu giá đất. Hiện Sở đang tích cực phối hợp với các quận, huyện rà soát, điều chỉnh bảng giá đất phù hợp giá thị trường; yêu cầu các địa phương giám sát chặt chẽ hơn các phiên đấu giá nhằm ngăn chặn tình trạng "thổi" giá, thông đồng, bỏ cọc.

Hà Nội cũng đề xuất ưu tiên đấu giá đất cho các tổ chức có dự án đầu tư thay vì cho cá nhân tự xây dựng nhà ở nhằm ngăn chặn tình trạng cá nhân lợi dụng đấu giá để đẩy giá lên cao rồi bỏ cọc hoặc sử dụng đất không đúng mục đích. Việc ưu tiên đấu giá đất cho các tổ chức có dự án đầu tư rõ ràng không chỉ kiểm soát chặt chẽ mục đích sử dụng đất mà còn bảo đảm đất đai được sử dụng đúng quy hoạch; tạo những công trình có giá trị sử dụng thực tế, ngăn chặn tình trạng đất bị bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên.

Chuyên đề