Hà Nội có hơn 400 mức giá duy trì cây xanh thảm cỏ

Theo quy định của thành phố, riêng việc trồng, xén và duy trì thảm cỏ đã có 32 đơn giá khác nhau trên các tuyến đường khác nhau.
Chi phí cho việc cắt cỏ, cắt tỉa cây hoa cảnh tại đại lộ Thăng Long đang thu hút sự quan tâm dư luận. Ảnh: Ngọc Thành.
Chi phí cho việc cắt cỏ, cắt tỉa cây hoa cảnh tại đại lộ Thăng Long đang thu hút sự quan tâm dư luận. Ảnh: Ngọc Thành.

UBND TP Hà Nội vừa báo cáo HĐND TP về việc duy trì công viên cây xanh. Theo đó, để hoàn chỉnh đơn giá đấu thầu duy trì công viên cây xanh từ 1/1/2017, thành phố đã tiến hành rà soát quy trình, định mức kỹ thuật và đơn giá cũ.

Thành phố yêu cầu xây dựng đơn giá tính đúng, đủ và hợp lý các khoản chi phí cấu thành, phù hợp chính sách chế độ nhà nước và sát với thị trường.

Trong quy định cũ (được ban hành để thực hiện giai đoạn 2015-2020), riêng việc thanh toán sản phẩm dịch vụ công ích đô thị với lĩnh vực duy trì công viên cây xanh có 431 mã đơn giá.

Qua rà soát theo hướng “tăng cường cơ giới hóa nhằm tăng năng suất lao động, giảm giá thành”, mã đơn giá cho công việc duy trì công viên cây xanh giảm được 386 mã, chỉ còn 63 mã. Thành phố cũng giảm 40% kinh phí đặt hàng thường xuyên lĩnh vực duy trì công viên cây xanh.

Trước đó tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm ngày 15/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết mỗi năm, riêng chi phí cắt cỏ, tỉa cây trúc anh đào, dâm bụt cho 24 km đại lộ Thăng Long là 53 tỷ đồng. Cho rằng mức giá trên là “không thể chấp nhận được”, ông Chung yêu cầu dừng việc cắt cỏ, tỉa cây trên toàn tuyến từ 1/7, chỉ duy trì một số khu vực trung tâm.

Không chỉ tại đại lộ Thăng Long, việc duy trì cây xanh, thảm cỏ ở nhiều tuyến đường khác cũng có mức giá hàng chục tỷ đồng. Số liệu công khai từ Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) năm 2015 cho thấy, 8 doanh nghiệp trúng thầu 8 dự án duy trì cây xanh, thảm cỏ ở các tuyến đường tại Hà Nội.

Cụ thể, dự án đại lộ Thăng Long có giá trị trúng thầu lớn nhất với 95 tỷ đồng. Dự án đường Lê Trọng Tấn và Phúc La - Văn Phú trị giá 41 tỷ đồng với khoảng 11 km. Dự án đường Vành đai III đoạn từ nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ đến nút giao Phù Đổng với chiều dài 15 km được thực hiện với mức giá trên 43 tỷ đồng; đoạn từ cầu vượt Mai Dịch đến nút giao Trung Hòa có giá hơn 28 tỷ đồng cho 5,5 km đường.

Chuyên đề