Hà Nam: Nhà đầu tư đặt niềm tin, tăng vốn mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Số dự án và số vốn điều chỉnh tăng thêm của nhà đầu tư nước ngoài vào Hà Nam năm 2022 tăng mạnh so với năm 2021 cho thấy, nhà đầu tư đã và đang đặt niềm tin, tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh vào địa phương này. Hà Nam đang có nhiều lợi thế để ngày càng hấp dẫn dòng vốn, trở thành điểm đầu tư hấp dẫn bên cạnh Hà Nội.
Những năm gần đây, Hà Nam được ghi nhận ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư. Ảnh: Lê Tiên
Những năm gần đây, Hà Nam được ghi nhận ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư. Ảnh: Lê Tiên

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nam, năm 2022, Tỉnh thực hiện cấp mới 17 dự án FDI với tổng vốn 175 triệu USD; điều chỉnh 40 dự án FDI (bằng 200% so với cùng kỳ năm 2021: 20 dự án), tổng vốn đầu tư tăng thêm 396,7 triệu USD (bằng 231,3% so với năm 2021: 171,5 triệu USD). Các doanh nghiệp FDI giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 60.000 lao động; năm 2022 nộp ngân sách nhà nước khoảng 200 triệu USD; đóng góp tích cực cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nam cho biết, một số dự án điều chỉnh tăng vốn lớn gồm: Dự án Nhà máy YKK Hà Nam của Công ty TNHH YKK Việt Nam - Chi nhánh Hà Nam (Nhật Bản) tăng 80 triệu USD; Dự án Thiết kế, phát triển, sản xuất và chế biến các sản phẩm truyền thông không dây của GEMTEK Việt Nam của Công ty TNHH Gemtek Việt Nam (Đài Loan) tăng 90 triệu USD...

Những năm gần đây, Hà Nam được ghi nhận ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư, với lợi thế lớn về vị trí địa lý, cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, tiếp giáp với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Hà Nam có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy thuận lợi với lợi thế sẵn có là Quốc lộ 1A, đường cao tốc Hà Nội - Ninh Bình, Quốc lộ 38, Quốc lộ 21 và tuyến đường sắt Bắc – Nam... Tỉnh cũng có quỹ đất công nghiệp sạch, nguồn lao động dồi dào, có tay nghề; công tác an ninh trật tự được bảo đảm; hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ... Mạng lưới các khu công nghiệp Hà Nam được đầu tư khá đồng bộ về cơ sở hạ tầng, đáp ứng được yêu cầu phát triển dài hạn cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh lợi thế sẵn có, theo nhiều nhà đầu tư, các chính sách thu hút đầu tư của Hà Nam được thực hiện khá đồng bộ, đặc biệt là sự cam kết mạnh mẽ từ các cấp chính quyền, chính sách nhất quán và chiến lược phát triển bền vững của Tỉnh.

Với quan điểm “Thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc các dự án tiết kiệm đất, tiết kiệm năng lượng; lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu”, trong thời gian qua, tỉnh Hà Nam đã tập trung hướng đến việc kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài có thế mạnh phù hợp với định hướng của Tỉnh.

Năm 2022, tỉnh Hà Nam thực hiện cấp mới 17 dự án FDI với tổng vốn 175 triệu USD. Ảnh: Lê Tiên

Năm 2022, tỉnh Hà Nam thực hiện cấp mới 17 dự án FDI với tổng vốn 175 triệu USD. Ảnh: Lê Tiên

Trong năm 2022, Hà Nam đã tổ chức 3 đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản và Hàn Quốc, Đài Loan. Trong các chuyến xúc tiến đầu tư, đoàn công tác của Tỉnh đặc biệt chú ý đến các tập đoàn lớn, những doanh nghiệp đang quan tâm đầu tư vào Hà Nam để trực tiếp gặp gỡ, mời gọi đầu tư. Duy trì đối thoại thường xuyên với các doanh nghiệp đang đầu tư tại Tỉnh nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các dự án đang hoạt động, đảm bảo các dự án hoạt động có hiệu quả, đúng tiến độ nhằm tiếp tục củng cố lòng tin của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư - kinh doanh tại các khu công nghiệp của Tỉnh, tạo hiệu ứng lan tỏa và tác động tích cực tới nhà đầu tư mới.

Gặp mặt các nhà đầu tư trong năm 2022, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy khẳng định, Tỉnh đang tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại; nhất là hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị và nhà ở xã hội phục vụ người lao động trong các khu, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp có nhiều lao động, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động để đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp. Tỉnh mong muốn các doanh nghiệp FDI đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh; hỗ trợ lẫn nhau, cạnh tranh lành mạnh; thực hiện tốt các cam kết với Tỉnh, nhất là cam kết về tiến độ, hiệu quả đầu tư và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý và giữ mối liên hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp trong nước để cùng tham gia chuỗi giá trị, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, chế tạo, chế biến của Tỉnh phát triển; nâng cao thu nhập và đời sống cho công nhân lao động.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy cũng nhấn mạnh, Hà Nam coi hợp tác đầu tư là nhiệm vụ hết sức quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Hà Nam có chính sách thông thoáng và có cam kết rõ ràng về cải cách thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư, đảm bảo nhà đầu tư khi đến Tỉnh được tiếp cận nhanh nhất về đất đai, lao động, tài chính cũng như thủ tục đầu tư...

Song song với đó, công tác cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh được coi trọng và đẩy mạnh, đặc biệt là các thủ tục hành chính có liên quan đến doanh nghiệp. Đối với những công ty có vốn đầu tư lớn, công nghệ cao, Tỉnh luôn có những cơ chế ưu tiên để thu hút.

Việc chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm, đổi mới và sáng tạo đã giúp Hà Nam tiếp tục đẩy mạnh thu hút và chọn lọc các nhà đầu tư có đủ tiềm lực, công nghệ hiện đại, sản phẩm thân thiện với môi trường để đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh hiệu quả trên địa bàn.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư