Tăng trưởng cao năm 2022, kinh tế Hà Nam “về đích” ấn tượng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, các hoạt động sản xuất - kinh doanh trở lại trạng thái bình thường mới, tình hình kinh tế của tỉnh Hà Nam - địa phương “cửa ngõ” phía Nam của Thủ đô Hà Nội - có sự phục hồi và tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022. Với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt trên 46.065 tỷ đồng, tăng 10,82% so với năm 2021, Hà Nam trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng cao thứ 3 vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 12 cả nước.
Bà Lê Thị Thủy - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam phát biểu tại Kỳ họp

Bà Lê Thị Thủy - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam phát biểu tại Kỳ họp

Kinh tế tăng trưởng bao trùm

Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Hà Nam khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 vừa diễn ra, bà Lê Thị Thủy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam cho biết, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2022, kinh tế - xã hội của Tỉnh tiếp tục có chuyển biến tích cực và phát triển đều trên các lĩnh vực.

“Hà Nam đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 15/17 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng đạt 10,82%, đứng thứ 3 vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 12 trong cả nước. Sản xuất công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng…”, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam cho biết.

Đề cập rõ hơn về bức tranh kinh tế địa phương, ông Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh cho hay, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022, năng suất lao động cả năm của Tỉnh đạt 157,1 triệu đồng/người, tăng 14,3% so với cùng kỳ, bằng 100,6% kế hoạch.

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 176.274,1 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ, vượt 1,2% kế hoạch. Một số sản phẩm công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao như: Thiết bị điện, điện tử tăng 25,8%; bia tăng 9,8%; đồ chơi trẻ em tăng 75,1%; xi măng và clinker 17,6%...

Lãnh đạo UBND Tỉnh nhấn mạnh, năm 2022, hoạt động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN) tiếp tục được Tỉnh quan tâm. Nhờ đó, tinh thần kinh doanh của người dân, DN được khích lệ. Tính đến ngày 30/11/2022, tỉnh Hà Nam có 749 DN thành lập mới (tăng 23,2% so với cùng kỳ, vượt 7% kế hoạch), với tổng số vốn đăng ký 10.235,2 tỷ đồng, bằng 105,7% so với cùng kỳ, đạt 64,0% kế hoạch.

Về thu hút đầu tư, tính từ đầu năm đến ngày 30/11, Hà Nam thu hút được 54 dự án, tăng 28,6% so với cùng kỳ, trong đó gồm 17 dự án FDI và 37 dự án trong nước. Đồng thời, Tỉnh thực hiện điều chỉnh tăng, giảm vốn đầu tư 60 dự án (tăng 76,5% so với cùng kỳ) với tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh đạt 549,7 triệu USD (tăng 92,8% so với cùng kỳ) và 13.069,7 tỷ đồng (tăng 52,6% so với cùng kỳ).

Bên cạnh đó, các hoạt động thương mại - dịch vụ cũng tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 40.963,1 tỷ đồng, tăng 30,5% so với cùng kỳ, vượt 13,8% kế hoạch. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 8.437,1 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 100% kế hoạch…

Hà Nam phấn đấu trong năm 2023, tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 201.480 tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm 2022. Ảnh: Lê Tiên

Hà Nam phấn đấu trong năm 2023, tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 201.480 tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm 2022. Ảnh: Lê Tiên

Quyết tâm, nỗ lực tăng trưởng trên 10% trong năm 2023

Về việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2023 của Tỉnh, bà Lê Thị Thủy nhấn mạnh, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tình hình dịch bệnh khó lường… sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển KTXH cả nước nói chung và tỉnh Hà Nam nói riêng. Đồng thời, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XX.

Để hoàn thành mục tiêu, kết luận Kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, ngay sau kỳ họp này, UBND Tỉnh và các ngành, các cấp, địa phương, cơ quan, đơn vị cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm với quyết tâm cao hoàn thành mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023.

“UBND Tỉnh khẩn trương cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các Nghị quyết của HĐND Tỉnh đã được thông qua. Tập trung rà soát, phân tích, đánh giá làm rõ những thuận lợi, khó khăn của từng ngành, từng lĩnh vực trong năm 2023, nhất là những khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp; những vướng mắc trong thủ tục thực hiện các dự án đầu tư và bảo đảm nguồn vốn cho các dự án đầu tư công đã được cân đối trong kế hoạch”, bà Lê Thị Thủy chỉ đạo.

Theo kế hoạch, năm 2023, Hà Nam phấn đấu GRDP đạt 50.764,4 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2022; GRDP bình quân đầu người đạt 98,7 triệu đồng, tăng 13,4%; năng suất lao động đạt 179,3 triệu đồng/người, tăng 14,1%…

Về định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, Hà Nam phấn đấu trong năm 2023, tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 201.480 tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm 2022; kim ngạch xuất khẩu đạt 6,4 tỷ USD, tăng 15,0%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 47.722 tỷ đồng, tăng 16,5%…

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, ông Trương Quốc Huy cho biết, UBND Tỉnh xác định tập trung thực hiện tốt 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó bao gồm: xây dựng kế hoạch; tổ chức công bố, triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển…

“Đặc biệt, Hà Nam quan tâm đến công tác cải cách thủ tục hành chính, làm sao để thủ tục hành chính gọn nhẹ, giúp DN có môi trường kinh doanh tốt nhất, thuận lợi nhất khi đến với Hà Nam”, Chủ tịch UBND Tỉnh chia sẻ.

Theo ông Huy, các giải pháp này nhằm hướng đến mục tiêu đến năm 2025, Hà Nam phát triển giàu đẹp, trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng Bắc Bộ; đến năm 2023, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Chuyên đề