Ảnh Internet |
Báo Đấu thầu đã có cuộc trao đổi với TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) về những vấn đề của kinh tế 2015, triển vọng kinh tế và những kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2016.
Ông đánh giá như thế nào về kinh tế Việt Nam trong năm 2015?
Về tổng thể, kinh tế Việt Nam trong năm 2015 vẫn là một điểm sáng trong nền kinh tế thế giới và khu vực. Bởi kinh tế thế giới tuy có phục hồi nhưng tăng trưởng vẫn giảm 1 chút so với năm 2014, trong khi tăng trưởng của Việt Nam vẫn ở mức cao (6,68%). Chúng ta phục hồi được ở cả những lĩnh vực liên quan đến sản xuất, xuất khẩu, đầu tư và đặc biệt là tiêu dùng.
Bên cạnh đó, lạm phát được kiểm soát ở mức tốt, niềm tin với tiền VND được cải thiện. Tín dụng vẫn bảo đảm tăng trưởng 18% hỗ trợ cho thúc đẩy tăng trưởng. Tỷ giá được kiểm soát ngày càng linh hoạt hơn, đáp ứng tính biến động ở bên ngoài.
Những lưu ý cho kinh tế năm 2015 vẫn là nợ công và thâm hụt ngân sách. Tuy nợ công vẫn ở ngưỡng an toàn mà Quốc hội đã thông báo, nhưng mức nợ công của Việt Nam đang tăng nhanh trong 5 năm vừa qua (từ mức khoảng 50% GDP đã lên đến 61,3% GDP trong năm 2015), thâm hụt ngân sách vẫn ở mức cao (5%).
Đối với triển vọng kinh tế trong năm 2016, những vấn đề nào cần lưu ý đối với việc điều hành chính sách?
Tăng trưởng kinh tế trong năm 2016 được dự báo tốt hơn năm 2015, mặt bằng lãi suất ở mức độ khá thấp và ổn định, đó là những biến số thuận lợi cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, trong những ngày đầu năm, kinh tế, tài chính thế giới xuất hiện những biến động phức tạp, khó lường hơn… Với bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, chúng ta cần để ý quan sát và theo dõi thị trường kinh tế thế giới với những biến động của nó để có những tính toán điều hành thận trọng.
Theo tôi, chúng ta cần lưu ý tới 4 ẩn số lớn. Một là, áp lực với vấn đề tỷ giá, với việc đồng USD tăng giá, giá đồng Nhân dân tệ giảm đi tạo áp lực cho vấn đề tỷ giá của Việt Nam. Hai là, vấn đề lãi suất và đặc biệt là lãi suất đối với đồng USD, khi FED điều chỉnh tăng lãi suất thì sẽ ảnh hưởng tới chi phí huy động vốn cho các dự án đối với cả Chính phủ và doanh nghiệp. Ba là, thị trường chứng khoán thế giới biến động phức tạp do thị trường chứng khoán Trung Quốc có những biến động không khả quan, tính toán cho thấy trong 2 ngày (4/1 và 7/1), thế giới đã mất gần 5.000 tỷ USD từ những biến động của thị trường chứng khoán. Bốn là, giá dầu nếu tiếp tục giảm sâu cũng cần theo dõi vì nó tác động tới Việt Nam khá nhiều, trong cả thương mại, đầu tư, bởi có nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực dầu khí đã, đang và sẽ thực hiện bị ảnh hưởng, thị trường chứng khoán liên quan đến cổ phiếu ngành dầu khí cũng bị ảnh hưởng.
Thưa ông, kênh đầu tư nào được cho là hấp dẫn trong năm 2016?
Đánh giá tình hình thực tế cho thấy, những biến động vĩ mô đang ở mức khó lường hơn. Do đó, theo đánh giá của tôi, kênh huy động tiền gửi tiết kiệm của Việt Nam hiện vẫn trả lãi suất là 6% đối với thời hạn 12 tháng, trong thời hạn dài hơn có thể là 6,5%. Rõ ràng, trong tình thế lạm phát thấp thì lãi suất tiền gửi với mức như vậy là hấp dẫn.
Thị trường bất động sản đang được cho là ấm lên tùy phân khúc, tùy địa bàn, tùy khu vực. Tuy nhiên, sự ấm lên của bất động sản sẽ có sàng lọc hơn trong năm 2016.
Kênh về chứng khoán sẽ bị tác động mạnh. Năm 2015 tăng trưởng chứng khoán được thống kê chỉ ở mức 3 - 4%. Nếu xu thế hội nhập và hiệu ứng hội nhập mạnh mẽ hơn trong năm 2016, dòng vốn dịch chuyển ra khỏi các nước mới nổi có thể quay trở lại Việt Nam thì tôi nghĩ thị trường chứng khoán có thể hấp dẫn hơn, khá hơn một chút so với năm 2015.
Đối với kênh vàng và ngoại tệ chắc chắn không còn dư địa để chúng ta lướt sóng, đầu tư vì hiện nay lãi suất tiền gửi bằng USD đã được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh đưa về mức 0%, giá vàng khá ổn định trong 3 năm vừa qua, thậm chí còn giảm trong năm 2015. Như vậy dự báo 2016 của giá vàng sẽ còn tiếp tục giảm trong khi USD được dự báo là tăng giá.