Chỉ có 1 nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật tại Gói thầu số 03 Thi công hạng mục giao thông, chiếu sáng, hạ tầng kỹ thuật thuộc Dự án Nâng cấp đường Cao Bá Quát, TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng). Ảnh: LTT |
Gói thầu nêu trên có giá 43,67 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Bảo Lộc làm Chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu. Theo phản ánh của các nhà thầu, HSMT đưa ra một số yêu cầu không tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu, gây khó khăn, cản trở các nhà thầu tham dự, vi phạm quy định tại Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT.
Cụ thể, HSMT yêu cầu các nhân sự chủ chốt như chỉ huy trưởng công trường, phụ trách kỹ thuật thi công phải có “chứng chỉ hành nghề giám sát có thời hạn trên 12 tháng”. Các nhân sự chủ chốt phải cung cấp “một tấm hình ảnh màu của cá nhân chụp sau khi phát hành HSMT (thấy rõ mặt, trên tấm hình thể hiện ngày giờ chụp)”, “có hợp đồng lao động”. Đối với vị trí bãi đổ thải vật liệu thừa (đất dư) ngoài hàng rào công trình, nhà thầu phải có “cam kết hoặc có thoả thuận với chính quyền địa phương về bãi đổ thải. Trường hợp có cam kết thì nhà thầu phải có trách nhiệm thực hiện thoả thuận với chính quyền địa phương về vị trí bãi đổ thải có trữ lượng tối thiểu bằng 50% khối lượng mời thầu và nộp cho Bên mời thầu chậm nhất sau 7 ngày kể từ ngày đối chiếu hồ sơ dự thầu (HSDT) thành công để tiến hành thương thảo hợp đồng”.
Phản hồi với Báo Đấu thầu, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Bảo Lộc cho rằng, những yêu cầu nêu trong HSMT là phù hợp, tuân thủ các quy định của pháp luật về đấu thầu và không có nội dung nào dẫn đến hạn chế sự tham gia của nhà thầu, tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Bên mời thầu giải thích, việc yêu cầu chứng chỉ hành nghề giám sát còn hiệu lực tối thiểu 12 tháng là để đảm bảo các nhân sự chủ chốt đáp ứng năng lực hoạt động sau khi ký kết hợp đồng. Việc tính toán hiệu lực còn lại của chứng chỉ hành nghề dựa vào tính chất gói thầu, vì việc đánh giá HSDT gói thầu xây lắp một giai đoạn hai túi hồ sơ thường kéo dài, nhất là trong trường hợp có nhiều nhà thầu tham dự. Hơn nữa, hiệu lực tối thiểu 12 tháng chỉ bằng 1/5 thời gian hiệu lực của chứng chỉ được cấp (5 năm).
Ngoài ra, sở dĩ HSMT yêu cầu các nhân sự chủ chốt phải cung cấp ảnh là nhằm hạn chế tình trạng không trung thực trong kê khai nhân sự tại HSDT, vì thực tế đã có trường hợp nhà thầu đề xuất nhân sự khi chưa được sự đồng ý của họ…
Bên mời thầu cho rằng, HSMT chỉ yêu cầu cung cấp hợp đồng lao động của nhân sự chủ chốt, mà không yêu cầu “phải được đóng bảo hiểm xã hội, phải là nhân sự đang ký hợp đồng lao động với nhà thầu”, tức là thuộc biên chế của nhà thầu như điều cấm được quy định tại Phụ lục 09 Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT. Tương tự, HSMT không yêu cầu nhà thầu phải có “bãi đổ thải cụ thể, cự ly đổ thải cụ thể, các mỏ vật liệu cụ thể… trong giới hạn một vùng hoặc một cự ly cụ thể mà chỉ có một hoặc một số ít nhà thầu đáp ứng được”.
Tuy nhiên, giải thích này của Bên mời thầu không nhận được sự đồng thuận của các nhà thầu, nên một số nhà thầu tiếp tục phản ánh đến các cơ quan chức năng, đề nghị hủy thầu vì cho rằng HSMT đã vi phạm quy định.
Theo một chuyên gia đấu thầu, pháp luật về đấu thầu không có quy định yêu cầu nhân sự đề xuất phải có ảnh, hay chứng chỉ hành nghề giám sát của nhân sự có thời hạn 12 tháng, hay phải có thỏa thuận với chính quyền địa phương về bãi đổ thải…
Theo tìm hiểu, Gói thầu số 03 có 5 nhà thầu tham dự, nhưng chỉ có 1 nhà thầu đạt yêu cầu về kỹ thuật là Liên danh Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Huỳnh Tâm Long - Công ty CP Thắng Đạt - Công ty CP Xây lắp điện Hồng Trường. Trong 4 nhà thầu bị loại, Công ty CP Xây dựng số 1 Lâm Đồng, Liên danh Công ty TNHH Xây dựng Phan Đình - Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Minh Cường không đạt về năng lực, kinh nghiêm; Liên danh Công ty TNHH Phương Hoàng Mai - Công ty TNHH Phùng Hữu không đạt về năng lực, kinh nghiệm và nhân sự chủ chốt; Liên danh Mê Kông - Khai Phát - Thành Công không đạt yêu cầu về kỹ thuật.