Gói thầu xây lắp 183 tỷ đồng tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế: Nhiều tiêu chí bị cho là bất cập vẫn được giữ lại?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau khi Báo Đấu thầu đăng tải bài viết “Gói thầu xây lắp tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế: Tiêu chí bất cập có được loại bỏ?” (số ra ngày 9/1/2024), Chủ đầu tư đã tiếp thu một số phản ánh có cơ sở và sửa đổi hồ sơ mời thầu (HSMT) Gói thầu XL01/2023 Thi công xây lắp tòa nhà chính thuộc Dự án Xây dựng Trung tâm Điều trị theo yêu cầu và quốc tế giai đoạn II. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng một số bất cập vẫn chưa được loại bỏ triệt để.
Sau khi Báo Đấu thầu đăng tải bài viết “Gói thầu xây lắp tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế: Tiêu chí bất cập có được loại bỏ?”, Chủ đầu tư đã tiếp thu một số phản ánh có cơ sở và sửa đổi HSMT. Ảnh minh họa
Sau khi Báo Đấu thầu đăng tải bài viết “Gói thầu xây lắp tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế: Tiêu chí bất cập có được loại bỏ?”, Chủ đầu tư đã tiếp thu một số phản ánh có cơ sở và sửa đổi HSMT. Ảnh minh họa

Gói thầu XL01/2023 có giá 183,225 tỷ đồng, do Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế làm Chủ đầu tư, Công ty CP Tư vấn xây dựng số 1 Thừa Thiên Huế là tư vấn lập HSMT.

Theo phản ánh của nhà thầu, HSMT bộc lộ bất cập từ nội dung đánh giá năng lực, kinh nghiệm đến kỹ thuật. Cụ thể, đối với kinh nghiệm thực hiện hợp đồng xây lắp tương tự, HSMT quy định: “Trường hợp gói thầu chỉ bao gồm 1 công trình độc lập, yêu cầu nhà thầu phải hoàn thành tối thiểu 1 công trình có loại kết cấu: (tổng diện tích sàn ≥ 20.000 m2, có tầng hầm, có hạng mục móng cọc bê tông cốt thép (BTCT), khung BTCT, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện nhẹ - điện nặng, hệ thống chống sét, nối đất, bể nước phòng cháy chữa cháy (PCCC), cấp: II”. Các nhà thầu cho rằng, việc HSMT yêu cầu hợp đồng xây lắp tương tự là công trình cấp II và cụ thể như trên là không phù hợp với cách phân cấp công trình theo quy định tại Thông tư 06/2021/TT-BXD và hướng dẫn lập HSMT xây lắp ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT.

Về danh mục thiết bị thi công chủ yếu, nhà thầu đề nghị Bên mời thầu điều chỉnh tải trọng cẩu tháp ≥ 25T thành ≥ 5T, bởi cẩu tháp tải trọng ≥ 25T rất hiếm khi được sử dụng trong công trình dân dụng, mà thường được huy động thi công các đại công trình như thủy điện, cầu...

Một số yêu cầu về nhân sự tại HSMT cũng được tiêu chuẩn hóa quá cao, đơn cử chỉ huy trưởng công trường yêu cầu tối thiểu 20 năm kinh nghiệm; các vị trí kỹ thuật yêu cầu các dạng chứng chỉ hành nghề mà pháp luật xây dựng không có quy định về tiêu chuẩn chức danh như: vị trí kỹ thuật thi công xây dựng phần kết cấu có chứng chỉ hành nghề giám sát xây dựng công trình dân dụng hạng II trở lên; kỹ thuật thi công xây dựng phần kiến trúc - triển khai bản vẽ shop drawing yêu cầu chứng chỉ hành nghề thiết kế kiến trúc công trình...

Ngoài ra, tại tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật (đạt/không đạt), nhà thầu cho rằng việc HSMT quy định đánh giá uy tín thông qua tiêu chí “nhà thầu thực hiện công tác bảo hành công trình theo đúng quy định (kèm theo xác nhận của chủ đầu tư đã hoàn thành công tác bảo hành đối với các hợp đồng do nhà thầu thực hiện trước đó trong vòng 4 năm (2019, 2020, 2021, 2022)” là chưa tuân thủ quy định tại Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT.

Ngày 11/1/2024, Chủ đầu tư đã điều chỉnh HSMT. Theo đó, về hợp đồng tương tự, lược bỏ điều kiện về tổng diện tích sàn ≥ 20.000 m2; đồng thời điều chỉnh công suất cẩu tháp ≥ 25T thành ≥ 1,5T. Tuy nhiên, HSMT bảo lưu yêu cầu về nhân sự và tiêu chí đánh giá uy tín nhà thầu.

Bên cạnh đó, một số danh mục thiết bị cũng bị các nhà thầu phản ánh chỉ định thương hiệu, mang tính độc quyền, tạo lợi thế cạnh tranh cho một hoặc một số nhà thầu nhất định. Đơn cử, đối với “hệ thống báo gọi y tá”, mặc dù HSMT quy định tương đương, nhưng thực tế, để đáp ứng được đầy đủ các thông số như yêu cầu tại bản vẽ thiết kế và HSMT, thì chỉ có duy nhất hãng Sonelco. Trong khi trên thị trường có nhiều thương hiệu thiết bị hệ thống gọi y tá có chất lượng tốt, bảo đảm các tính năng hiện đại.

Một số nhà thầu cho rằng, việc Bên mời thầu bảo lưu điều kiện về nhân sự, cũng như tiêu chí đánh giá uy tín nhà thầu là chưa loại bỏ triệt để các yếu tố hạn chế cạnh tranh.

Ngày 22/1/2024, Gói thầu được mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật, với sự tham dự của 2 nhà thầu là: Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng Hồng Hà và Liên danh Thi công xây dựng Trung tâm Điều trị theo yêu cầu giai đoạn II (Công ty CP Xây lắp và Thương mại An Bảo đứng đầu liên danh).

Theo tìm hiểu, Công ty CP Xây lắp và Thương mại An Bảo có trụ sở tại Thừa Thiên Huế, từng thi công một số công trình y tế trên địa bàn Tỉnh như: Gói thầu số 7 thuộc Dự án Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thừa Thiên Huế (77,059 tỷ đồng); Gói thầu Xây dựng và lắp đặt thiết bị gắn công trình thuộc Dự án Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực miền Trung giai đoạn 2 (26,595 tỷ đồng); Gói thầu Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình thuộc Dự án Nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học và khám chữa bệnh tại Trường Đại học Y Dược và Bệnh viện Trường Đại học Y Dược - Đại học Huế (92,819 tỷ đồng)...

Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng Hồng Hà có trụ sở tại Hà Nội, từng liên danh thi công một số công trình dân dụng như Gói thầu số 06 thuộc Dự án Xây dựng CDC Quảng Ninh tại phường Hồng Hải, TP. Hạ Long (209,678 tỷ đồng); Gói thầu số 04 thuộc Dự án Trường Tiểu học và THCS xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh (59,556 tỷ đồng)...

Chuyên đề