Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Kết quả khảo sát của Báo Đấu thầu cho thấy, thời gian gần đây, rất nhiều gói thầu xây lắp cầu, đường, hồ thủy lợi có giá trị hàng trăm tỷ đồng, thời gian thi công khá dài được áp dụng loại hợp đồng trọn gói. Chẳng hạn như Gói thầu số 04 Xây dựng mới cầu Vàm Cái Sứt và đường đầu cầu do Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai làm bên mời thầu có giá trúng thầu 218,4 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 530 ngày; Gói thầu Xây dựng đường giao thông kết hợp du lịch hồ thủy lợi Phước Hòa, tỉnh Bình Phước do Ban QLDA đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước mời thầu có giá trúng thầu 142,7 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 500 ngày; Gói thầu Thi công xây dựng công trình cống kiểm soát triều rạch Bình Nhâm do Ban QLDA ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương mời thầu có giá trúng thầu 214,6 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 720 ngày…
Trao đổi với Báo Đấu thầu, một số chuyên gia xây dựng cho biết, đối với những gói thầu xây lắp có giá trị hàng trăm tỷ đồng, thời gian thi công dài thì khó mà xác định chính xác được khối lượng thực hiện theo như bản vẽ thiết kế và dự toán. Sai số về khối lượng thực hiện giữa bản vẽ thiết kế với thực tế thi công là không hề nhỏ, đặc biệt là với những công trình cầu, hầm, cống, thủy lợi… Vì thế, việc áp dụng hợp đồng trọn gói với những gói thầu trên có thể phát sinh những hệ lụy.
Theo TS. Nguyễn Việt Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hợp đồng trọn gói có nhiều ưu điểm, rất phù hợp khi áp dụng với các gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn đơn giản, gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp mà khối lượng mua sắm được định hình khá chính xác. Tuy nhiên, đối với những gói thầu xây lắp có quy mô lớn, khối lượng thực hiện khó xác định chính xác và có độ biến động mạnh so với thiết kế bản vẽ thi công thì việc áp dụng hợp đồng trọn gói sẽ bất tiện và nhiều rủi ro. Nếu khối lượng thực tế phát sinh so với thiết kế, nhà thầu sẽ không được thanh toán. Còn trường hợp khối lượng thi công thực tế ít hơn so với thiết kế thì các bên liên quan như chủ đầu tư, tư vấn lập hồ sơ thiết kế khó giải trình được việc mình tính toán sai số lượng, khối lượng công việc.
Trả lời phóng viên Báo Đấu thầu về việc áp dụng hợp đồng trọn gói cho gói thầu xây lắp quy mô hàng trăm tỷ đồng, có thời gian thi công kéo dài, một số chủ đầu tư cho biết, kinh nghiệm cho thấy, khi chọn loại hợp đồng khác, đa số đều phát sinh tăng giá trị thanh toán so với giá trúng thầu. Do đó, chủ đầu tư chọn loại hợp đồng trọn gói dù biết rằng, quá trình triển khai thực tế có thể biến động khối lượng công việc so với thiết kế ban đầu.
Chia sẻ với phóng viên, cán bộ thanh tra, kiểm tra xây dựng cho biết, đối với hợp đồng trọn gói, trong quá trình thanh, kiểm tra, nếu phát hiện khối lượng thi công thiếu so với hồ sơ thiết kế, khối lượng mời thầu thì khó tiến hành giảm trừ và xuất toán tiền của nhà thầu so với các hợp đồng theo đơn giá cố định hoặc hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh. Trong những trường hợp này, chỉ có thể kiểm điểm trách nhiệm của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan, chứ không thu hồi được tiền về cho ngân sách nhà nước.