Gói thầu EPC thông tin đường sắt Hà Nội - Vinh: Gian nan lựa chọn nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ tháng 3/2021 đến nay, sau 3 lần tổ chức đấu thầu, Gói thầu XL-HNV-07 Thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng thông tin tín hiệu SSI (giá gói thầu 158,344 tỷ đồng) thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM (tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng) vẫn chưa chọn được nhà thầu. Đây là “điểm nghẽn” khiến dự án trọng điểm, cấp bách ngành đường sắt chậm tiến độ.
Từ tháng 3/2021 đến nay, sau 3 lần tổ chức đấu thầu Gói thầu EPC thông tin đường sắt Hà Nội - Vinh vẫn chưa chọn được nhà thầu. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Từ tháng 3/2021 đến nay, sau 3 lần tổ chức đấu thầu Gói thầu EPC thông tin đường sắt Hà Nội - Vinh vẫn chưa chọn được nhà thầu. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Gói thầu XL-HNV-07 do Ban Quản lý dự án đường sắt thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu. Gói thầu sử dụng vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho các dự án đường sắt và dự án đường bộ quan trọng, cấp bách. Theo kế hoạch, Dự án sẽ hoàn thành trong năm 2021. Tuy nhiên, đến nay, công tác lựa chọn nhà thầu của Gói thầu XL-HNV-07 vẫn trì trệ. Ban Quản lý dự án đường sắt đang làm thủ tục xin Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh chủ trương đầu tư, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, điều chỉnh thời gian thực hiện Gói thầu, gia hạn thời gian hoàn thành Dự án đến ngày 31/12/2023.

Gói thầu trên được thông báo phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) lần đầu vào ngày 29/3/2021 với thời gian thực hiện hợp đồng 9 tháng; dự kiến đóng thầu vào ngày 19/4/2021. Sau đó, Bên mời thầu thông báo hủy thầu với lý do thay đổi hình thức gói thầu cho phù hợp với cấu phần xây lắp và thiết bị.

Gói thầu tiếp tục được mời thầu lần 2 nhưng không có nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) mặc dù đã tiến hành gia hạn thời điểm đóng/mở thầu thêm 10 ngày. Ngày 29/6/2021, Bên mời thầu thông báo hủy thầu do không có nhà thầu nộp HSDT.

Sau đó, Gói thầu được thông báo mời thầu lần 3 với thời gian thực hiện hợp đồng 18 tháng và chỉ có 1 nhà thầu nộp HSDT là Công ty TNHH Alstom Transport Việt Nam. Ngày 31/12/2021, Ban Quản lý dự án đường sắt ra quyết định hủy thầu lần 3 với lý do HSDT của nhà thầu không đáp ứng yêu cầu của HSMT.

Một cán bộ của Bộ GTVT cho biết, Dự án Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh là 1 trong 4 dự án trọng điểm, cấp bách của ngành đường sắt. Gói thầu XL-HNV-07 là gói thầu duy nhất của Dự án chưa chọn được nhà thầu nên đang tạo áp lực về tiến độ hoàn thành toàn Dự án. Gói thầu có tính đặc thù về kỹ thuật cao, thời gian thực hiện dài nên chậm lựa chọn nhà thầu ngày nào là Dự án “lụt” tiến độ ngày đó. Hiện nay, Dự án đang chậm tiến độ khá trầm trọng và Bộ GTVT đã phải gia hạn thời gian hoàn thành đến tháng 10/2023 (kế hoạch ban đầu là hoàn thành trong năm 2021).

Theo cán bộ của Ban Quản lý dự án đường sắt, nguyên nhân chưa chọn được nhà thầu là vì Gói thầu XL-HNV-07 có đặc tính kỹ thuật cao, sử dụng công nghệ thông tin tín hiệu tự động hóa của Pháp, số lượng nhà thầu có khả năng thực hiện công trình rất hạn chế. Mặt khác, trong bối cảnh dịch Covid-19 gây gián đoạn chuỗi cung ứng một số mặt hàng phục vụ thi công, lắp đặt, nhà thầu khó khăn trong việc cung cấp và lắp đặt thiết bị theo thời hạn trong kế hoạch lần đầu. Việc thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng thông tin tín hiệu SSI lần này phải đồng bộ hóa với hệ thống thông tin tín hiệu hiện trạng (do nhà thầu Pháp thực hiện cách đây khoảng 10 năm). Trên thế giới chỉ có vài nhà thầu có năng lực thực hiện. Tuy nhiên, trong 3 lần mời thầu, chỉ có Công ty TNHH Alstom Transport Việt Nam nộp HSDT. Trong 3 lần mời thầu, nội dung, khối lượng công việc và giá gói thầu không thay đổi nhưng thời gian thực hiện đã tăng từ 9 tháng lên 18 tháng. Lý do là một số thiết bị cung cấp cho gói thầu phải sản xuất ở nước ngoài, trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều chuỗi cung ứng sản xuất bị đứt gãy nên không có hàng hóa để cung cấp. Trong HSDT, Công ty TNHH Alstom Transport Việt Nam đã đề xuất thời gian thực hiện hợp đồng 24 tháng. Việc khảo sát thực địa cũng gặp khó khăn do nhiều nhân sự của nhà thầu ở nước ngoài, địa bàn khảo sát trải dài khoảng 300 km.

Trước sức ép về tiến độ, Ban Quản lý dự án đường sắt đang nỗ lực đẩy nhanh thủ tục để điều chỉnh chủ trương đầu tư, kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Dự kiến, Gói thầu sẽ được mời thầu lần 4 trong tháng 3/2022.

Chuyên đề