Gói hỗ trợ lãi suất 2% bế tắc, đề xuất chuyển hướng hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong các chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình), chính sách miễn, giảm các loại thuế, phí đạt hiệu quả rất cao, trong khi chính sách hỗ trợ lãi suất 2% gần như không triển khai được. Nhiều ý kiến đề xuất xem xét dành nguồn lực ngân sách cho các chính sách hỗ trợ trực tiếp như giảm thuế, phí để tiếp tục giúp doanh nghiệp vượt khó và hồi phục trong thời gian tới.
Đến cuối tháng 8/2023, số tiền hỗ trợ lãi suất đạt 781 tỷ đồng, tương ứng 1,95% tổng quy mô gói hỗ trợ lãi suất 2%. Ảnh: Nhã Chi
Đến cuối tháng 8/2023, số tiền hỗ trợ lãi suất đạt 781 tỷ đồng, tương ứng 1,95% tổng quy mô gói hỗ trợ lãi suất 2%. Ảnh: Nhã Chi

Tại Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán tổ chức thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa gửi tới Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết, về chính sách tài khóa, một trong những điểm đáng chú ý là tính đến hết tháng 9/2023, lũy kế tổng số thuế, phí, lệ phí đã miễn, giảm là 109.843 tỷ đồng, bằng 171% dự kiến khi xây dựng Chương trình.

Một số chính sách chủ yếu gồm: giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%); giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 26/11/2021; giảm thuế suất thuế xuất nhập khẩu trong năm 2022 đối với nhiều nhóm mặt hàng theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021; giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/1/2023.

Việc thực hiện các chính sách này đã góp phần tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước, góp phần giảm chi phí đầu vào, kiềm chế lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng cao.

Trong nhóm chính sách tài khóa, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động cũng đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể, đến 31/8/2023, tổng kinh phí đã sử dụng đề nghị quyết toán là 3.761,08 tỷ đồng, bằng 56,9% nguồn lực thực hiện chính sách (6.600 tỷ đồng); tổng số người lao động được hỗ trợ là 2.981.196 người. Dù vậy, qua kết quả kiểm toán, KTNN nhận thấy còn một số tồn tại, bất cập.

Theo đó, công tác tham mưu ban hành văn bản thực hiện chính sách còn chưa kịp thời, đầy đủ, phù hợp dẫn đến vướng mắc, lúng túng và khó khăn trong quá trình thực hiện. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến chính sách hỗ trợ người lao động như chậm thực hiện công tác tuyên truyền, chậm xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện. Đơn cử, tại TP. Hà Nội, chỉ có 6/30 quận, huyện báo cáo chính thức bằng văn bản về dự trù đối tượng và nhu cầu kinh phí, các đơn vị còn lại không có báo cáo; công tác tổng hợp, xác định nhu cầu, đề xuất kinh phí thực hiện có sự chênh lệch lớn so với đề xuất thực tế (đề xuất kinh phí là 400,43 tỷ đồng; số đề nghị quyết toán là 224,91 tỷ đồng, chênh lệch 175,43 tỷ đồng).

Trong khi đó, chính sách tài khóa có tỷ lệ giải ngân rất thấp là chính sách hỗ trợ lãi suất 2% với nguồn lực là 40 nghìn tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM). KTNN cho biết, các NHTM đã thực hiện chính sách này theo quy định, song vẫn còn một số hạn chế.

Theo đó, một số NHTM ban hành văn bản nội bộ hướng dẫn còn chậm; chưa thực sự chú trọng tập huấn, hướng dẫn, đào tạo nội bộ. Từ tài liệu các ngân hàng NCB, VIB, PublicBank, HSBC, Sacombank cung cấp cho thấy, không có bằng chứng thể hiện đơn vị chủ động tiếp cận, đồng hành hướng dẫn khách hàng hiểu đúng, đủ về chính sách. Văn bản hướng dẫn nội bộ của các ngân hàng HSBC, PublicBank, NCB chưa xây dựng tiêu chí để đánh giá “khả năng phục hồi” của khách hàng, làm căn cứ xét duyệt hỗ trợ lãi suất. Có 13 NHTM không thống kê được số hồ sơ đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất theo đánh giá chủ quan dẫn đến không triển khai chính sách một cách hiệu quả; một số NHTM rà soát hồ sơ đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất nhưng thực tế số tiền hỗ trợ lại “bằng 0”. Kết quả là, đến cuối tháng 8/2023, số tiền hỗ trợ lãi suất đạt 781 tỷ đồng, tương ứng 1,95% nguồn lực được Quốc hội quyết định.

Trước thực tế tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm 2023 đạt thấp, giải ngân chậm, ông Trần Văn Tiến thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Chính phủ tiếp tục giải ngân chương trình hỗ trợ lãi suất đến hết ngày 31/12/2023, số kinh phí còn lại không giải ngân hết đề nghị hủy dự toán và kế hoạch vốn.

Ông Phạm Đức Ấn thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng, chính sách này đã từng được dự đoán rất khó khả thi và thực tế triển khai đạt kết quả không như dự kiến. Do đó, thời gian tới có thể hủy chính sách này, dành nguồn ngân sách đó để Chính phủ thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp và có hiệu quả hơn.

Từ góc độ khác, ông Nguyễn Như So thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đề nghị Chính phủ tập trung tháo gỡ khó khăn, khơi thông dòng vốn, tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Về chính sách tài khóa, cần nghiên cứu tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng theo từng ngành, cần giải pháp mạnh hơn, dài hơi hơn, chỉ giảm xuống 8% như vừa qua là chưa đủ mà nên giảm xuống 5% - 6%. Đây là giải pháp trực tiếp, có tác dụng nhanh và phù hợp với bối cảnh hiện nay cũng như hỗ trợ giải quyết khó khăn, thách thức năm 2024, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, kích cầu thị trường nội địa.

Cùng quan điểm, ông Hoàng Văn Cường thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng, để đạt kết quả tăng trưởng kinh tế tích cực trong những tháng cuối năm và hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm 2024, cần có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là hỗ trợ tài khóa. Trong đó, cần ban hành nghị quyết về tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% có hiệu lực từ đầu năm và kéo dài trong cả năm 2024. Bên cạnh đó, cần xem xét thực hiện chính sách giảm một số loại thuế khác, miễn, giảm tiền thuê đất.

Chuyên đề