Gỡ vướng biến động giá: Nhà thầu vẫn chờ giải pháp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều hợp đồng xây dựng đã và đang thực hiện trong 2 năm qua vẫn còn gặp khó khăn. Để tiếp tục tháo gỡ, tuần trước, Bộ Xây dựng có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các khó khăn, vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng và giải pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, những giải pháp mà Bộ Xây dựng kiến nghị là chưa đủ, nhà thầu sẽ còn phải chờ đợi biện pháp thực tế hơn…
Tại các gói thầu thi công cao tốc, một trong những vật liệu biến động nhiều nhất là đất đắp với mức tăng khoảng 30 - 50%, cá biệt có gói tăng 154%. Ảnh: Tường Lâm
Tại các gói thầu thi công cao tốc, một trong những vật liệu biến động nhiều nhất là đất đắp với mức tăng khoảng 30 - 50%, cá biệt có gói tăng 154%. Ảnh: Tường Lâm

Trong công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngày 10/8/2022, với hợp đồng trọn gói, đơn giá cố định, bên cạnh giải pháp lâu dài là sửa đổi, bổ sung pháp luật, trước mắt Bộ Xây dựng đang phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương để tổng hợp số liệu thực hiện của các hợp đồng, để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng.

Đối với hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, Bộ Xây dựng đề xuất giao UBND các tỉnh, thành phố chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá tổng thể việc công bố giá vật liệu xây dựng (VLXD), chỉ số giá xây dựng (CSGXD) trên địa bàn từ năm 2021 trở lại đây. Trường hợp giá VLXD, chỉ số giá đã công bố theo quý chưa phản ánh đúng biến động trên thị trường, các địa phương bổ sung việc công bố, tăng tần suất sớm hơn, theo tháng. Giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư chỉ đạo chủ đầu tư báo cáo đánh giá khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân chủ quan, khách quan; xác định rõ trách nhiệm các bên và cơ sở pháp lý về việc điều chỉnh hợp đồng (kể cả các hợp đồng BOT), đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trên cơ sở chủ động xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền. Đồng thời, xác định mức độ ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư đã phê duyệt, cân đối các nguồn vốn, báo cáo Bộ Xây dựng tổng hợp báo cáo Chính phủ…

Trao đổi với nhiều nhà thầu sau khi Bộ Xây dựng có công văn trên, nhiều ý kiến ghi nhận việc Bộ Xây dựng đốc thúc các địa phương công bố giá kịp thời hơn, nhưng vẫn chưa nhận thấy giải pháp cụ thể nào tháo gỡ khó khăn, tồn tại về điều chỉnh giá hợp đồng đối với những gói thầu thực hiện trong 2 năm qua.

Một nhà thầu thi công cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 chia sẻ, với các giải pháp này, chưa thấy “cửa sáng” gì cho đơn vị thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1. Đặc biệt, một trong những vật liệu biến động nhiều nhất là đất đắp với mức tăng khoảng 30 - 50%, cá biệt có gói tăng 154%, thì không được bù giá. Theo hợp đồng, điều chỉnh giá theo phương pháp hệ số, công thức bù giá được tính theo 7 yếu tố điều chỉnh là nhân công, máy thi công, nhựa đường, thép, đá các loại, cát, xi măng. Hầu hết địa phương chưa công bố giá và chỉ số giá cho vật liệu đất, chưa coi đất là một sản phẩm được mua bán, vì không có chỉ số nên một số hợp đồng vật liệu đất được đưa vào phần cố định, không điều chỉnh trong quá trình thực hiện hợp đồng. Trong khi đó, với khối lượng đất đắp rất lớn thường vài triệu m3 đất đắp cho 1 gói thầu, giá trị vật liệu đất đắp chiếm tỷ trọng lớn trong giá hợp đồng từ 15% đến 25%. Ngoài ra, đơn giá nhân công của rất nhiều địa phương gần như không thay đổi từ năm 2019 đến nay, đồng nghĩa với việc nhà thầu không được điều chỉnh chi phí nhân công theo công thức điều chỉnh giá của hợp đồng.

Đối với việc công bố giá vật liệu và chỉ số giá do địa phương ban hành, nhà thầu đã gửi văn bản và được trả lời rằng, chỉ số giá của địa phương công bố không phục vụ cho cao tốc nên cũng vẫn khó cho các đơn vị thi công cao tốc.

Một nhà thầu khác có công trình tại An Giang chia sẻ, nếu không có hướng dẫn cụ thể, như ban hành một thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng, thì địa phương và các chủ đầu tư chắc chắn vẫn “án binh bất động”. Theo như công văn của Bộ Xây dựng, nhà thầu sẽ tiếp tục phải chờ đợi, trong khi doanh nghiệp đã rất “suy kiệt”, bên bờ vực phá sản. Nhà thầu rất mong quá trình đánh giá, tổng hợp, báo cáo các cấp diễn ra nhanh chóng hơn, có giải pháp sớm để nhà thầu có hy vọng.

Đến thời điểm này, dù giá nhiều VLXD đã giảm, nhưng theo một số nhà thầu, vẫn cao hơn nhiều so với thời điểm ký hợp đồng, áp các công thức bù giá cũng không đủ bù đắp.

Theo ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, năm 2007 - 2008 có bão giá nặng nề, khi đó đã có giải pháp quyết liệt, Thủ tướng ra phương án đặc biệt về điều chỉnh giá nguyên, nhiên, VLXD và hợp đồng xây dựng. Nhờ đó, rất nhiều nhà thầu được cứu. Hiện nay cũng cần có cơ chế đặc thù để điều chỉnh giá cho một số vật liệu nhằm hỗ trợ cho nhà thầu, tăng lực cho họ trong lúc đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, ông Chủng khuyến nghị Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải cần có đốc thúc các địa phương công bố giá kịp thời, sát hơn, đặc biệt là có chỉ số giá của công trình cấp đặc biệt như đường cao tốc.

Chuyên đề