Gỡ nút thắt xây dựng giá đất để đẩy nhanh tiến độ các dự án tại Thuận An

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2022, thị xã Thuận An được bố trí tổng kế hoạch vốn đầu tư công là hơn 1.617,8 tỷ đồng. Tới giữa tháng 10/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Thị xã mới đạt 24,64% so với kế hoạch.
Ông Nguyễn Thành Tâm, Chủ tịch UBND thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương

Ông Nguyễn Thành Tâm, Chủ tịch UBND thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương

Nguyên nhân lớn nhất khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Thuận An đạt thấp nằm ở khâu giải phóng mặt bằng (GPMB). Trong cơ cấu tổng kế hoạch vốn, vốn cho đền bù, GPMB chiếm trên 90%. Đây cũng là điểm nghẽn chính ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án. Theo đó, trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư phức tạp, chính sách bồi thường, hỗ trợ chưa phù hợp với thực tế, thiếu quỹ đất bố trí tái định cư. Đáng chú ý, nút thắt lớn nhất là khâu thẩm định, xây dựng giá đất đền bù. Việc lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm định giá đảm bảo chất lượng trong giai đoạn hiện nay rất khó thực hiện. Trên địa bàn thị xã Thuận An có rất ít doanh nghiệp tư vấn thẩm định giá và hiện khối lượng công việc tư vấn thẩm định giá đất lại lớn.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của địa phương trong khâu lựa chọn, đàm phán với các doanh nghiệp tư vấn thẩm định, vấn đề xây dựng giá đất đền bù GPMB sẽ sớm được tháo gỡ. Dự kiến giữa tháng 11/2022, UBND tỉnh Bình Dương sẽ phê duyệt giá đất đền bù, GPMB các dự án lớn do thị xã Thuận An làm chủ đầu tư. Chúng tôi đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để giải ngân nhanh số vốn bố trí cho GPMB. Khi giá đất được phê duyệt, Thuận An sẽ áp giá, chi trả cho người dân ngay và tốc độ giải ngân có bước đột phá. Có mặt bằng cho nhà thầu thi công, tiến độ thi công các dự án cũng sẽ cải thiện rõ nét.

Chúng tôi đang tập trung tối đa công tác đầu tư xây dựng cơ bản, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao. Hy vọng công tác đền bù GPMB sẽ có đột phá, giúp các dự án sử dụng hết vốn kế hoạch khi vướng mắc về giá đền bù được cởi bỏ.

Chuyên đề