Gỡ nút thắt vật liệu cho dự án giao thông quan trọng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong 2 năm 2022 và 2023, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục để được cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều nhà thầu cho biết, cơ chế đặc thù này sẽ gỡ nút thắt về khan hiếm nguồn cung vật liệu, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án.
Cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ảnh: Lê Tiên
Cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ảnh: Lê Tiên

Thời gian qua, việc triển khai các dự án có quy mô lớn, dự án quan trọng quốc gia gặp vướng mắc về nguồn cung ứng vật liệu xây dựng (đất, cát, đá), dẫn đến chậm tiến độ, thậm chí phải dừng thi công.

Để tháo gỡ vướng mắc này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021, quy định việc áp dụng cơ chế đặc thù đối với nhà đầu tư (dự án theo hình thức PPP), nhà thầu (đối với dự án đầu tư công) trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020.

Theo ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Cienco4, 2 nghị quyết trên đã phần nào gỡ nút thắt khan hiếm vật liệu xây dựng tại các dự án giao thông lớn. Tuy nhiên, các văn bản vẫn chưa đủ mạnh để chấm dứt tình trạng đầu cơ tích trữ, tăng giá vật liệu đất đắp. Chính phủ tạo điều kiện về chủ trương đẩy nhanh thủ tục cấp phép khai thác mỏ làm vật liệu nhưng các địa phương vẫn thực hiện thủ tục cấp phép khai thác mỏ mất gần 1 năm, không đáp ứng được yêu cầu sớm hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam. Bên cạnh đó là tình trạng trên cùng một địa bàn đồng loạt thi công nhiều tuyến đường, dẫn đến nguồn cung vật liệu khan hiếm do trữ lượng khai thác ở mỏ không đáp ứng được nhu cầu. Nhà thầu thi công cao tốc vẫn lo ngại tình trạng nguồn cung vật liệu xây dựng từ cơ chế đặc thù này “chảy” không đúng nơi, đúng chỗ, không chỉ rót vào các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam mà còn cung cấp cho các dự án khác trên địa bàn.

Trước tình hình đó, việc ban hành cơ chế đặc thù ở cấp cao hơn về cấp phép khai thác mỏ làm vật liệu xây dựng cho các dự án giao thông quan trọng là rất cần thiết để gỡ khó về nguồn cung vật liệu, bảo đảm tiến độ dự án.

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có cơ chế đặc thù đối với thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản. Theo đó, trong 2 năm 2022 và 2023, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia thuộc Chương trình; việc khai thác mỏ khoáng sản theo quy định này được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường; chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản; nộp thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.

Ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành đánh giá, đây là chính sách rất kịp thời, được nhiều nhà thầu hưởng ứng, giúp giảm áp lực cho nhà thầu thi công các dự án giao thông lớn về nguồn vật liệu xây dựng, giảm thiểu được nguy cơ chậm tiến độ cho công trình. Cơ chế mới tạo nên sự chủ động về nguồn cung vật liệu cho nhà thầu trong quá trình thực hiện dự án.

Theo một chuyên gia về đầu tư, cơ chế đặc thù về đơn giản hóa thủ tục cấp phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường vừa được Quốc hội thông qua là đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhanh trong 2 năm 2022 - 2023 triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tục được rút ngắn giúp đẩy nhanh việc khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, nhất là đất để san lấp nền. Quy trình thủ tục này mất khoảng 10 tháng nếu thực hiện theo quy định của Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn, hoặc 4 - 6 tháng nếu thực hiện theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 60/NQ-CP và Nghị quyết số 133/NQ-CP.

Cơ chế mới còn được kỳ vọng giúp giảm bớt các khâu trung gian trong việc cấp phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng, tránh tình trạng đầu cơ, nâng giá, thiếu hụt nguồn cung vật liệu cho các công trình giao thông quan trọng quốc gia. Từ đó, nhà thầu sẽ yên tâm dồn lực để thi công các công trình giao thông quan trọng đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng.

Chuyên đề