Gỡ khó cho doanh nghiệp nợ trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa tiếp tục gửi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính cho phép gia hạn Điều 3 Nghị định 08/2023/NĐ-CP thêm 12 tháng nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp giải quyết bài toán dòng tiền trước áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) lớn sẽ đến vào năm 2024.
Giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2024 là 329.500 tỷ đồng, gấp 1,21 lần giá trị đáo hạn trong năm 2023 . Ảnh minh họa: Ngọc Phượng
Giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2024 là 329.500 tỷ đồng, gấp 1,21 lần giá trị đáo hạn trong năm 2023 . Ảnh minh họa: Ngọc Phượng

Đề xuất gia hạn Điều 3 Nghị định 08/2023/NĐ-CP

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, việc gia hạn hiệu lực của Điều 3 Nghị định 08/2023/NĐ-CP đến hết ngày 31/12/2024 (thay vì 31/12/2023 như hiện tại) nhằm “tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ và nhà đầu tư cá nhân đầu tư trái phiếu riêng lẻ trong năm 2024, tạo điều kiện để thị trường TPDN riêng lẻ phục hồi và phát triển”.

Tháng 9/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP (Nghị định 65) sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế. Nghị định 65 được đánh giá đã bổ sung các quy định mới giúp phát triển thị trường TPDN minh bạch, bền vững về lâu dài, giúp bảo vệ quyền lợi cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư, nhưng trong bối cảnh thị trường TPDN vừa trải qua một “cuộc khủng hoảng niềm tin”, một số quy định mới của Nghị định 65 được đánh giá cần có thêm thời gian để cả doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể chuyển đổi phù hợp.

Sau các ý kiến đề xuất của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, đến tháng 3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP, trong đó quy định “ngưng hiệu lực thi hành” đối với quy định về điều kiện nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành; kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu của Nghị định 65 đến hết ngày 31/12/2023.

Theo ông Lê Hoàng Châu, sau 8 tháng áp dụng, Nghị định 08 đã giúp tháo gỡ phần nào khó khăn cho thị trường TPDN, đặc biệt là thị trường TPDN riêng lẻ và các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản. Cụ thể, 10 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị phát hành TPDN đã đạt 205.867 tỷ đồng, trong đó phát hành TPDN riêng lẻ chiếm 88,5% với giá trị hơn 182.000 tỷ đồng cho thấy hoạt động huy động vốn từ kênh trái phiếu đã dần được cải thiện, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước. Trong đó, giá trị trái phiếu bất động sản đạt khoảng 68.347 tỷ đồng, chiếm 33,2%, đứng thứ 2 sau trái phiếu ngân hàng (46,9%).

Tuy vậy, thời điểm kết thúc hiệu lực của Điều 3 Nghị định 08 đã cận kề (ngày 31/12/2023) nhưng điều kiện thị trường vẫn còn nhiều khó khăn. Đơn cử việc thị trường chứng khoán thời gian qua suy giảm mạnh khiến năng lực tài chính của không ít nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân bị suy giảm. Bên cạnh đó, cả nước chỉ có 4 công ty đánh giá xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, nhưng có tới hơn 800.000 doanh nghiệp, trong đó có hơn 40.000 doanh nghiệp bất động sản. “Chỉ cần khoảng 10% số doanh nghiệp bất động sản có nhu cầu phát hành TPDN riêng lẻ thì 4 đơn vị tư vấn đánh giá xếp hạng doanh nghiệp không thể đáp ứng nổi”, ông Châu đánh giá.

Gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản

Theo số liệu của HoREA, giá trị TPDN đáo hạn trong năm 2024 lên đến 329.500 tỷ đồng, gấp 1,21 lần giá trị đáo hạn trong năm 2023 (271.400 tỷ đồng) và gấp 2,28 lần giá trị đáo hạn trong năm 2021 (144.500 tỷ đồng).

Trong khi đó, thu xếp dòng tiền để giải quyết trái phiếu đáo hạn, cộng với áp lực trả nợ vay ngân hàng và nhu cầu vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh đang là bài toán khó với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản.

Chẳng hạn tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland), trong 9 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp này đã giảm được 5.925 tỷ đồng nợ vay, riêng quý II/2023 giảm gần 3.500 tỷ đồng. Tuy vậy, tính đến cuối quý III/2023, tổng số dư nợ vay vẫn còn 58.216 tỷ đồng. Trong đó. dư nợ vay ngắn hạn lên đến 30.108 tỷ đồng, bao gồm 19.013 tỷ đồng các khoản trái phiếu đến hạn thanh toán trong vòng 1 năm tới và được phân loại sang nợ vay ngắn hạn. Còn lại là các khoản nợ vay ngân hàng, vay bên thứ ba và vay bên liên quan.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản "đóng băng", dòng tiền từ hoạt động kinh doanh về chậm, việc vay vốn để đảo nợ cũng gặp khó. 9 tháng đầu năm, Novaland thu về 0 đồng từ phát hành trái phiếu thường, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 16.407 tỷ đồng. Việc đi vay theo khế ước thông thường cũng khó khăn khi chỉ thu về 1.660 tỷ đồng sau 9 tháng (cùng kỳ năm ngoái đạt 11.038 tỷ đồng).

Thực tế, bên cạnh việc bán bớt tài sản lấy tiền trả nợ thì từ đầu năm đến nay, Novaland là một trong những đơn vị có hoạt động đàm phán hoãn, giãn thời gian trả nợ trái phiếu đến hạn, hay đàm phán sử dụng tài sản khác như bất động sản để thanh toán lãi và gốc các lô trái phiếu đến hạn cho trái chủ… sôi động nhất trên thị trường. Nhiều lô trái phiếu đã được đàm phán hoãn, giãn thời gian trả nợ, sử dụng bất động sản trả nợ thành công. Tuy nhiên, áp lực trả nợ vay, đáo hạn trái phiếu hiện vẫn còn rất lớn.

9 tháng đầu năm nay, Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt đã giảm ròng hơn 1.074 tỷ đồng nợ vay, trong đó có gần 1.554 tỷ đồng là các khoản nợ trái phiếu. Đến ngày 30/9/2023, tổng dư nợ vay (bao gồm cả nợ trái phiếu) của Phát Đạt là 3.366 tỷ đồng, giảm 24% so với đầu năm. Công ty hiện không còn nợ vay trái phiếu dài hạn, số dư nợ trái phiếu ngắn hạn là 980 tỷ đồng.

Việc giảm mạnh nợ vay, đưa tỷ lệ nợ vay trong cơ cấu vốn tại Phát Đạt đến 30/9/2023 giảm xuống 16,3%, nợ vay trên vốn chủ sở hữu chỉ còn 0,39 lần là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn, dòng tiền hoạt động kinh doanh thực tế về yếu. Không phát hành trái phiếu mới, dòng vốn vay từ các ngân hàng bị kiểm soát chặt chẽ cộng với việc tập trung dòng tiền trả nợ đã khiến dòng tiền đầu tư của Công ty bị ảnh hưởng. Đến 30/9/2023, giá trị đầu tư thêm cho các dự án dở dang của Phát Đạt không tăng hoặc tăng rất ít so với đầu năm.

Báo cáo tài chính của Phát Đạt cũng cho biết, Công ty có 3 lô trái phiếu với dư nợ 858 tỷ đồng sẽ đáo hạn vào tháng 12/2023 và 1 lô trái phiếu với dư nợ 122 tỷ đồng sẽ đáo hạn vào tháng 3/2024. Như vậy, áp lực dòng tiền trả nợ với Phát Đạt lên tới gần 1.000 tỷ đồng. Trước tình hình khó khăn về nguồn vốn, ngay từ đầu năm nay, Phát Đạt đã lên phương án huy động 2.015 tỷ đồng từ phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ. Tuy vậy, cho tới nay chưa có hoạt động phát hành nào hoàn tất.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp bất động sản đang gặp nhiều khó khăn về dòng tiền và đối mặt áp lực nợ vay, trái phiếu đến hạn lớn, theo ông Lê Hoàng Châu, việc gia hạn áp dụng Điều 3 Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường TPDN trong quý IV/2023, giai đoạn cao điểm đáo hạn trái phiếu cũng như năm 2024 - năm có giá trị TPDN đáo hạn dự kiến cao nhất trong 3 năm gần đây.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư