Diễn biến lắt léo của đồng Nhân dân tệ khiến nhiều đồng tiền giảm giá khá mạnh so với USD. Ảnh: Reuters |
Nhân dân tệ diễn biến lắt léo
Sau khi quyết định giảm giá CNY qua ngưỡng tâm lý 7 CNY đổi 1 USD vào ngày đầu tuần, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã đổi ý với việc nâng giá trị đồng tiền này trở lại mức 6,9683 CNY đổi 1 USD vào ngày 6/8.
Phản ứng với động thái của PBOC, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng: “Việc Nhân dân tệ giảm giá xuống dưới mức 7 CNY đổi 1 USD là một hành vi thao túng tiền tệ”.
Giới phân tích kinh tế cho rằng, Trung Quốc muốn trả đũa đòn trừng phạt thuế quan của Mỹ song không muốn thị trường quá hoảng loạn. PBOC sẽ đặt tỷ giá tham chiếu ở mức linh hoạt hơn với thị trường dù vẫn muốn duy trì một đồng nội tệ yếu để bù đắp thiệt hại do phải chịu thuế quan cao hơn từ Mỹ.
Diễn biến lắt léo của CNY khiến giới quan sát tài chính - tiền tệ cho rằng, vẫn còn nhiều điểm khó dự đoán trong các xu hướng điều hành tiền tệ của các nước. Trên thị trường tiền tệ thế giới, nhiều đồng tiền đều giảm giá khá mạnh so với USD.
Tại Việt Nam, ngày 6/8, giá USD tại các ngân hàng thương mại tăng mạnh, trong khi đó giá đồng CNY giảm mạnh. Đầu giờ sáng, giá USD tại Vietcombank niêm yết ở mức 23.215 - 23.335 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 55 đồng ở chiều mua và bán so với cùng thời điểm sáng qua.
Giá đồng CNY tại BIDV niêm yết ở mức 3.266 - 3.352 VND/CNY (mua vào - bán ra), giảm 37 đồng ở cả chiều mua và bán so với cùng thời điểm sáng 5/8.
Tỷ giá trung tâm giữa VND và USD sáng 6/8 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.115 VND/USD, tăng 15 đồng so với hôm qua, tiếp tục ghi nhận mức cao nhất từ trước đến nay.
Theo Bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, bối cảnh quốc tế ổn định trước đó cùng với nguồn cung USD khá dồi dào giúp VND có 7 tuần hồi phục, quay trở về mức tỷ giá tương đương thời điểm cuối năm 2018. NHNN cũng mua vào thêm ngoại tệ cho dự trữ. Trong suốt giai đoạn này, tỷ giá trung tâm vẫn theo chiều hướng đi lên. Diễn biến này cho thấy sự nhất quán trong điều hành của NHNN để có thể ứng phó với những diễn biến bất ngờ từ bên ngoài.
Đối diện với áp lực
Cùng quan điểm, Báo cáo chiến lược đầu tư vừa được Công ty Chứng khoán Rồng Việt công bố nhận xét: “Rủi ro tỷ giá vẫn còn đó. Tuy nhiên, với triển vọng giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài khả quan, dự trữ ngoại hối gia tăng, đạt 68 tỷ USD, chúng tôi cho rằng NHNN vẫn có đủ không gian kiểm soát tỷ giá”.
Đánh giá tác động từ diễn biến đồng CNY trên thị trường tiền tệ thế giới với VND, TS. Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) nói: “7 CNY đổi 1 USD là ngưỡng tâm lý nên gây nhiều tranh luận. Thực tế, mức phá giá của CNY không quá lớn, bởi nhiều phiên giao dịch trước đó 1 USD đã đổi được 6,96 - 6,97 CNY. Chuyện tỷ giá USD/CNY trên thị trường ngoại hối là khó tính toán nhưng vẫn có khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm giá đồng tiền này ở mức độ mạnh hơn. Giả sử chuyện đó xảy ra, thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ lớn hơn và khi đó, bài toán tỷ giá sẽ phải cân đong cẩn trọng”.
Vị Phó giám đốc NCIF cho rằng, từ đầu năm đến nay, VND chỉ mất giá khoảng 0,16% so với USD, do đó, chúng ta còn khá nhiều dư địa để điều chỉnh tỷ giá. Dù vậy, việc điều chỉnh cần cân nhắc nhiều yếu tố.
Theo đó, khi giảm giá đồng nội tệ, xuất khẩu có thể hưởng lợi từ giá bán sản phẩm ra nước ngoài rẻ hơn. Tuy nhiên, Việt Nam nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, vì vậy, nếu giá thành rẻ mà không đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu thì cũng không hẳn là có lợi.
“Mặt khác, trong bối cảnh ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu cần ưu tiên trong giai đoạn hiện nay, NHNN phải cân đối nhiều bài toán, nhiều yếu tố trong việc giữ tổng thể cả lạm phát, tỷ giá, lãi suất và khả năng thanh khoản ngoại tệ của các ngân hàng. Nếu giảm giá VND có thể tạo lợi thế thương mại và được lợi ngắn hạn nhưng phải đối mặt với các rủi ro khác thì đây là bài toán của sự đánh đổi và cần hết sức thận trọng”, ông Đức Anh nhấn mạnh.