Giới đầu tư bán tháo, chứng khoán Trung Quốc sụt 5%

Việc tăng tỷ giá tham chiếu đồng Nhân dân tệ đã không đủ sức đưa chứng khoán Trung Quốc thoát một ngày giảm điểm tồi tệ...
Tuần trước, Shanghai Composite để mất sạch thành quả tăng của năm 2015 khi giảm gần 10% chỉ trong vòng 5 phiên giao dịch - Ảnh: CNBC/Getty.
Tuần trước, Shanghai Composite để mất sạch thành quả tăng của năm 2015 khi giảm gần 10% chỉ trong vòng 5 phiên giao dịch - Ảnh: CNBC/Getty.

Một đợt bán tháo mới lại diễn ra trên thị trường chứng khoán Trung Quốc phiên đầu tuần hôm nay (11/1), khiến các chỉ số chính sụt 5-6%. Sắc đỏ phủ khắp các thị trường chứng khoán chủ chốt khác ở khu vực châu Á. 

Theo tin từ CNBC, chỉ số Shanghai Composite Index của sàn Thượng Hải có lúc “bốc hơi” 5,22% vào cuối phiên chiều nay, trong khi chỉ số Shenzhen Compiste của sàn Thẩm Quyến mất 6,5%. Với mức điểm số này, thị trường chứng khoán Trung Quốc đang sụt về mức thấp nhất kể từ tháng 9/2015. 

Ồ ạt giảm theo thị trường Trung Quốc 

Tại thị trường Hồng Kông, chỉ số Hang Seng giảm 2,24%, đánh dấu lần đầu tiên tụt dưới ngưỡng 20.000 điểm kể từ tháng 6/2013.

Tuần trước, Shanghai Composite để mất sạch thành quả tăng của năm 2015 khi giảm gần 10% chỉ trong vòng 5 phiên giao dịch. 

Phiên hôm nay, giá cổ phiếu các công ty môi giới chứng khoán ở đại lục là một trong những nhóm dẫn đầu sự giảm điểm của toàn thị trường, có thời điểm sụt tới 9%. Cổ phiếu của Citic Securities niêm yết tại thị trường Đại lục giảm 6,3%, trong khi cổ phiếu của công ty này niêm yết tại thị trường Hồng Kông mất 5,53% điểm số. 

Ngày đầu tuần, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tăng nhẹ tỷ giá tham chiếu đồng Nhân dân tệ, lên mức 6,5626 Nhân dân tệ đổi 1 USD, từ mức 6,5636 Nhân dân tệ/USD vào hôm thứ Sáu tuần trước. Trên thị trường giao ngay, 1 USD tương đương 6,5818 Nhân dân tệ.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng tỷ giá tham chiếu đồng Nhân dân tệ đã không đủ sức đưa chứng khoán Trung Quốc thoát một ngày giảm điểm tồi tệ. 

Nhiều nhà phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng đang diễn ra trên thị trường chứng khoán ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất châu Á và lớn thứ nhì thế giới, sẽ có tác động lớn hơn và rộng hơn so với dự báo tới triển vọng kinh tế khu vực. 

Chuyên gia kinh tế trưởng Taimur Baig của công ty nghiên cứu Deutsche Bank Research nhận định: “Rủi ro chính hiện nay là Trung Quốc, nơi nỗi lo về sự giảm tốc tăng trưởng tiếp diễn đang dẫn tới sự tháo chạy của các dòng vốn, sự sụt giảm của tỷ giá hối đoái, các đợt bán tháo tài sản, và tình trạng tiến thoái lưỡng nan trong chính sách”. 

Ông Baig nhấn mạnh rằng sự sụt giảm của chứng khoán Trung Quốc có thể sẽ không khiến nền kinh tế nước này ngưng trệ, bởi phần lớn nền kinh tế Trung Quốc hoạt động độc lập với thị trường chứng khoán. Nhưng sự sụt giảm đó sẽ ảnh hưởng xấu tới tâm lý của giới đầu tư, không chỉ ở Trung Quốc mà trên toàn châu Á, dẫn tới nguy cơ giảm phát, tín dụng bị siết chặt và những thách thức về chính sách. 

Chỉ số ASX 200 của chứng khoán Australia hôm nay giảm gần 1,2%. Tỷ giá đồng Đôla Australia (AUD) lần đầu tiên giảm dưới 0,7 USD/AUD lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, còn 1 AUD đổi 0,6970 USD. 

Chỉ số Kospi của chứng khoán Hàn Quốc giảm xấp xỉ 1,2% vào thời điểm đóng cửa. Chỉ số Straits Times của Singapore mất 2%, trong khi Jakarta Composite Index của chứng khoán Malaysia sụt 1,9%. Chứng khoán Philippines lao dốc 4% trong phiên này. 

Thị trường chứng khoán Nhật Bản hôm nay đóng cửa nghỉ lễ. 

Sẽ không có "hạ cánh cứng"? 

Giá dầu thế giới lao dốc xuống mức thấp nhất kể từ năm 2003 đã kéo giá cổ phiếu các công ty năng lượng tụt sâu trong phiên châu Á. Các cổ phiếu dầu lửa Santos, Oil Search và Woodside Petroleum tại Australia giảm từ 0,8-5% phiên hôm nay. 

Tại thị trường đại lục, cổ phiếu dầu lửa giảm từ 2-3,3%. Cổ phiếu các hãng dầu lửa niêm yết tại thị trường Hồng Kông giảm từ 3-4,3%. 

Giá đồng và quặng sắt tiếp tục giảm cũng khiến cổ phiếu các hãng khai mỏ sụt mạnh. Cổ phiếu của hai hãng khai mỏ lớn nhất Australia là Rio Tinto và BHP Billiton giảm tương ứng 3,3% và 4,9%. 

Giá dầu thô ngọt nhẹ tại thị trường New York lúc hơn 14h chiều nay giảm 2,5%, còn 32,33 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tại London cùng thời điểm giảm 3,1%, còn 32,5 USD/thùng. Tuần trước, giá hai loại dầu này cùng giảm 10%. 

Theo hãng tin Bloomberg, biến động của thị trường chứng khoán Trung Quốc đang khiến mức độ ngại rủi ro của giới đầu tư toàn cầu bị đẩy lên cao.  Thống kê công bố hôm thứ Sáu cho thấy thị trường việc làm của Mỹ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong tháng 12, nhưng các thống kê từ Trung Quốc vẫn gây lo ngại. Trung Quốc mới công bố chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) giảm tháng thứ 46 liên tiếp. 

Tuy nhiên, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz cho rằng Trung Quốc hiện không đối mặt với một đợt giảm tốc kiểu “đại hồng thủy”, mà biến động của chứng khoán Trung Quốc chủ yếu do hệ thống ngắt mạch giao dịch tự động được thiết kế tồi. 

Tuần trước, hệ thống ngắt mạch đã khiến chứng khoán Trung Quốc phải đóng cửa sớm 2 phiên, và sau đó Bắc Kinh đã quyết định ngừng sử dụng cơ chế này.

Có quan điểm tương tự với ông Stiglitz, ông Matthew Shearwood, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư công ty Perpetual ở Sydney, nhận định: “Trung Quốc chắc chắn đang trong một quá trình giảm tốc tăng trưởng từ từ. Nhiều người đang lo Trung Quốc hạ cánh cứng, nhưng đó không phải là kịch bản chính của chúng tôi”.

Chuyên đề