Giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu: Cân nhắc mức giảm mạnh hơn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để kéo giảm giá xăng dầu trong nước và hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, nhiều ý kiến cho rằng, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu cần giảm mạnh hơn thay vì 500 - 1.000 đồng/lít như Bộ Tài chính đề xuất.
Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít với mặt hàng xăng (trừ ethanol). Ảnh: Nhã Chi
Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít với mặt hàng xăng (trừ ethanol). Ảnh: Nhã Chi

Góp ý cho Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu mà Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản kiến nghị mức giảm cần mạnh mẽ hơn.

Cụ thể, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc VCCI cho biết, VCCI đề nghị mức giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít và dầu, mỡ nhờn là 1.000 đồng/lít, gấp đôi so với đề xuất của Bộ Tài chính. Thời hạn giảm có thể linh hoạt, áp dụng ngắn hơn, chẳng hạn 3 - 6 tháng nếu giá xăng dầu ổn định trở lại thay vì áp dụng một mức cố định từ tháng 4 đến hết năm 2022.

Một chuyên gia thuộc Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, thuế bảo vệ môi trường với dầu diezel cần phải giảm 1.500 đồng/lít, còn các mặt hàng dầu khác và mỡ nhờn giảm 1.000 đồng/lít, kg. Do đây là các mặt hàng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh nên muốn giảm bớt chi phí, giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển thì cần mạnh tay giảm thuế để kéo giá các mặt hàng này xuống. Thực tế, giá xăng dầu tăng liên tiếp 6 lần trong 2 tháng qua với tổng mức tăng hơn 4.000 đồng/lít. Mức giảm thuế 1.000 đồng/lít xăng và 500 đồng/lít, kg với các mặt hàng dầu và mỡ nhờn mà Bộ Tài chính đề xuất chỉ giúp giảm 500 - 1.000 đồng/lít, kg xăng dầu thì không có ý nghĩa nhiều.

Thêm nữa, giải pháp giảm thuế cần phải đặt trong bối cảnh giá dầu thô trên thị trường thế giới đang tăng cao, như ngày 7/3 đã chạm ngưỡng 140 USD/thùng. Dự báo giá nhiên liệu còn tiếp tục tăng nữa khi chiến sự Nga - Ukraine vẫn căng thẳng. Do đó, xăng dầu trong nước chịu áp lực tăng giá rất lớn và khả năng kỳ điều hành vào cuối tuần này cũng sẽ nhích thêm. Khi xăng dầu tăng giá sẽ đẩy cước vận tải và giá hầu hết hàng hoá, dịch vụ tăng theo.

“Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao như vậy, Việt Nam dự báo được hưởng lợi từ giá dầu thô xuất khẩu tăng. Như 2 tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước từ dầu thô đạt 8.060 tỷ đồng, bằng 28,6% dự toán. Chúng tôi cho rằng, việc giảm sâu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là khả thi", ông Đậu Anh Tuấn nhận định.

Vị chuyên gia thuộc Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, cơ quan quản lý cần xác định mục tiêu giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là nhằm giảm giá bán xăng dầu trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng. Do đó, không nên quá so kè vì nhiệm vụ thu ngân sách của năm nay mà đưa ra mức giảm thuế xăng dầu quá ít ỏi. Mặt khác, khi giá xăng dầu tăng cao thì cũng đồng nghĩa gánh nặng đối với người dân tăng lên. Mức hỗ trợ đủ lớn thì người dân và doanh nghiệp sẽ đóng góp cho ngân sách nhà nước nhiều hơn khi hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng sôi động.

Theo chuyên gia này, với mức giảm thuế mà Bộ Tài chính đề xuất thì ngân sách nhà nước giảm thu cả năm khoảng 11.982 tỷ đồng, quá nhỏ so với tổng thu ngân sách của một tháng, khoảng 150.000 tỷ đồng. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, luỹ kế thu ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm nay của cả nước đạt 323,8 nghìn tỷ đồng, bằng 23% dự toán năm. Cần nuôi dưỡng nguồn thu, khoan thư sức dân thì nguồn thu mới bền vững.

Chuyên đề