Bộ Tài chính đang nghiên cứu, xây dựng phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu. Ảnh: Tiên Giang |
Hiện nay, mặt hàng xăng đang phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế BVMT, thuế nhập khẩu. Các loại dầu chịu thuế giá trị gia tăng, thuế BVMT, thuế nhập khẩu đối với sản phẩm nhập khẩu.
Khi giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng mạnh đẩy giá xăng dầu trong nước lên cao, nhiều ý kiến cho rằng cần tính phương án giảm các loại thuế để giảm giá xăng dầu. Trong 4 sắc thuế nêu trên, việc điều chỉnh thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội, còn Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể điều chỉnh mức thuế BVMT.
Luật Thuế BVMT số 57/2010/QH12 có hiệu lực từ 1/1/2012 quy định cụ thể đối tượng chịu thuế và khung thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu. Căn cứ khung thuế này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng dầu như sau: xăng (trừ etanol): 4.000 đồng/lít, mức cao nhất trong khung thuế suất từ 1.000 - 4.000 đồng/lít; dầu diezel, dầu mazut và mỡ nhờn: 2.000 đồng/lít, mức cao nhất trong khung 500 - 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít. Đối với các mặt hàng xăng sinh học (như xăng E5, E10 - chứa 5%, 10% etanol) thì chỉ tính thuế BVMT đối với lượng xăng gốc hóa thạch kết cấu trong xăng sinh học.
Năm 2021, trước tác động của dịch Covid-19, một trong những giải pháp của Chính phủ là trình để Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và ban hành Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 về việc giảm 50% mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Dự kiến số giảm thu thuế BVMT đối với nhiên liệu bay là khoảng 1.440 tỷ đồng, từ đó làm giảm khoảng 1,6 nghìn tỷ đồng thu ngân sách nhà nước (bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế BVMT).
Bên cạnh đó, theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15, dầu cũng là mặt hàng được giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8% và có hướng dẫn giảm từ ngày 1/2/2022.
Tại Công điện số 160/CĐ-TTg ngày 22/2/2022 về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28/2/2022 theo đúng chỉ đạo tại Văn bản số 486/VPCP-KTTH ngày 21/2/2022 của Văn phòng Chính phủ.
Bộ Tài chính cho biết, các đơn vị chuyên trách của cơ quan này đang nghiên cứu, xây dựng phương án điều chỉnh chính sách thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu để kịp thời báo cáo Thủ tướng.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, giá xăng dầu tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế, do đó việc giảm thuế BVMT với các mặt hàng này ở thời điểm hiện nay có thể xem là giải pháp tình thế để hạ nhiệt giá xăng dầu. Sau đó, khi thị trường xăng dầu ổn định, có thể xem xét tăng trở lại mức thuế này cho phù hợp với tính chất của sắc thuế và thực tế ngân sách nhà nước.
“Cần có tiêu chí cụ thể để tính toán mức giảm. Chẳng hạn, căn cứ theo mức độ phát thải của từng loại nhiên liệu cụ thể thì có mức giảm tương ứng, nhiên liệu nào có mức phát thải thấp hơn thì giảm thuế nhiều hơn và ngược lại”, ông Thỏa nói.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc tính toán giảm thuế BVMT với mặt hàng xăng dầu ở thời điểm hiện nay là không hề dễ dàng. Bởi lẽ, ngân sách nhà nước đang phải gồng gánh các gói hỗ trợ theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Trong khi đó, đà tăng giá xăng dầu đang gây áp lực lớn lên nỗ lực khôi phục sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, ảnh hưởng đến tỷ lệ lạm phát và tăng trưởng nên đành phải tính toán chấp nhận giảm thu ngân sách để giảm giá loại nhiên liệu đầu vào trọng yếu này. Nếu mức giảm phù hợp, doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh tốt thì có thể đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước. Do đó, giảm thuế BVMT với mặt hàng xăng dầu là cần thiết nhưng mức giảm, thời gian giảm, mức độ tác động cần được tính toán cụ thể.