Giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc: Đúng thời điểm

(BĐT) - Quyết định giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể khiến hệ thống tổ chức tín dụng chịu thiệt, giảm lợi nhuận. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, đây là động thái chính sách cần thiết trong việc điều tiết thị trường tiền tệ.
Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND là 0,8%/năm, giảm 0,4% so với mức được áp dụng từ năm 2005 đến nay. Ảnh: Nhã Chi
Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND là 0,8%/năm, giảm 0,4% so với mức được áp dụng từ năm 2005 đến nay. Ảnh: Nhã Chi

NHNN cho biết, để phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và mặt bằng lãi suất trên thị trường, cơ quan này ban hành quyết định về các mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng (TCTD) có hiệu lực từ ngày 1/12/2019.

Theo đó, NHNN quy định lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND là 0,8%/năm, giảm 0,4% so với mức lãi suất đã được áp dụng từ năm 2005 đến nay. Lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND là 0%/năm.

Đối với ngoại tệ, NHNN quy định lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0,05%/năm.

Số liệu thống kê của NHNN cho biết, tính đến tháng 9/2019, tổng tiền gửi tại các TCTD là gần 8,5 triệu tỷ đồng. Trong đó, số tiền gửi của các tổ chức kinh tế là 3.649.853 tỷ đồng và tiền gửi của dân cư là 4.771.483 tỷ đồng.

Theo quy định tại Quyết định số 1158/QĐ-NHNN ngày 29/5/2018, áp dụng từ ngày 1/6/2018, tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các TCTD là 3% với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng, tỷ lệ dự trữ bắt buộc với tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 1%. Với tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 1 - 3% như trên, mức tiền dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng tại NHNN hiện nay có thể lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Chia sẻ quan điểm về số tiền lãi mà cả hệ thống ngân hàng có thể “chịu thiệt” sau quyết định này của NHNN, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV nói: “Tại BIDV, tổng số tiền dự trữ bắt buộc tại NHNN hiện ở mức khoảng 20 nghìn tỷ đồng. Với việc giảm lãi suất dự trữ bắt buộc từ 1,2% xuống 0,8%, số phần thiệt thòi khoảng 80 tỷ đồng/năm. BIDV hiện có thị phần khoảng 12%, như vậy tính ra mức thiệt của cả hệ thống ngân hàng qua quyết định này là khoảng 600 tỷ đồng. Đây thực ra là mức giảm không lớn nên tác động sẽ không nhiều”.

Ông Lực cho rằng, việc giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc ở thời điểm này là phù hợp bởi vì mức lãi suất 1,2% đã duy trì trong suốt 14 năm qua và đến nay, mặt bằng lãi suất nói chung đã giảm đáng kể. “Trong bối cảnh nhiều ngân hàng trên thế giới giảm các loại lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất trong nước cũng cần được giảm xuống thì động thái này sẽ hỗ trợ đáng kể cho nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất cho cả nền kinh tế”, ông Lực nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia ngân hàng phân tích: “Cùng với tỷ giá, thị trường mở, hạn mức tín dụng, dự trữ bắt buộc là một trong các công cụ điều tiết thị trường của NHNN. Trong đó, việc điều hành dự trữ bắt buộc không có tác động quá lớn đến thị trường. Cơ quan điều hành phải hài hòa các công cụ này để đảm bảo chính sách được nhất quán. Vừa rồi, NHNN đã mạnh tay giảm nhiều loại lãi suất cả huy động và cho vay. Do đó, giảm lãi suất dự trữ bắt buộc là động thái tiếp theo để đạt mục tiêu nhất quán như trên, đồng thời, góp phần kéo giảm mặt bằng lãi suất chung, hỗ trợ ổn định vĩ mô và phù hợp với xu thế điều hành của các ngân hàng trung ương trên thế giới”.

Chuyên đề