Giải tỏa áp lực tỷ giá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quyết định nới biên độ tỷ giá USD/VND từ mức ±3% lên ±5% ngày 17/10 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ giúp biến động tỷ giá linh hoạt và phản ánh đúng nhu cầu, góp phần giảm tình trạng bất ổn trên thị trường ngoại hối. Động thái này được cho là phù hợp với diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế, song chính sách tỷ giá vẫn còn áp lực lớn trong thời gian tới.
Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức ±3% lên ±5%. Ảnh: Lê Tiên
Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức ±3% lên ±5%. Ảnh: Lê Tiên

NHNN cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và nhiều ngân hàng trung ương (NHTW) lớn đẩy mạnh lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ (CSTT), tăng nhanh lãi suất điều hành; xung đột Nga - Ukraine làm chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn, giá xăng dầu và hàng hóa tăng cao, lạm phát tại nhiều nền kinh tế vượt mức kiểm soát… gây biến động lớn trên thị trường quốc tế và trong nước.

Để chủ động thích ứng trước diễn biến khó lường của thị trường quốc tế và định hướng tiếp tục thắt chặt CSTT, tăng lãi suất của FED và các NHTW trên thế giới, NHNN vừa quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ ±3% lên ±5%. NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, phối hợp đồng bộ các công cụ CSTT, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để ổn định thị trường.

Đồng thời với quyết định này, giá bán USD tham khảo tại Sở giao dịch NHNN tăng 455 đồng, ở mức 24.380 đồng/USD.

Sau quyết định của NHNN, một loạt ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng giá bán USD so với ngày trước đó. Cụ thể, giá bán 1 USD tại ngân hàng Vietcombank và Eximbank lần lượt là 24.480 đồng và 24.400 đồng, tăng 250 đồng và 160 đồng so với phiên giao dịch trước đó.

Tại cuộc làm việc với các ngân hàng cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian vừa qua, NHNN đã điều hành CSTT chặt chẽ, chủ động, linh hoạt, mặt bằng lãi suất, tỷ giá cơ bản ổn định. Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm và thời gian tới, NHNN cần tiếp tục điều hành CSTT chặt chẽ, thận trọng, bảo đảm chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng với các chính sách tài khóa và các chính sách khác để ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành tỷ giá, lãi suất, tăng tín dụng phù hợp, đáp ứng các yêu cầu phát triển.

Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 5%. Đây là mức giảm giá khá cao của VND so với USD trong những năm gần đây, song vẫn ở mức thấp trong so sánh với các đồng tiền khác. Trong đó, so với USD, đồng Euro đã mất giá khoảng 14%, JPY mất giá khoảng 22%.

Bình luận về động thái điều hành này của NHNN, TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV cho rằng, đây là ứng phó cần thiết trước diễn biến thị trường ngoại hối nhiều biến động và phù hợp với bối cảnh FED có thể tiếp tục tăng lãi suất. Mặt khác, theo ông Lực, việc nới biên độ tỷ giá làm tăng tính linh hoạt cho các tổ chức tín dụng trong việc điều chỉnh tỷ giá giao dịch ngoại tệ.

Từ góc độ khác, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng: “Việc điều chỉnh biên độ là hợp lý, song đáng ra nên làm sớm hơn. Những tháng gần đây, các ngân hàng bị khống chế bởi biên độ ±3% nên không thể nâng giá bán USD, dẫn đến hiện tượng USD bị “tuồn” ra thị trường tự do. Từ đầu năm, áp lực tăng tỷ giá đã lớn dần theo các đợt tăng lãi suất của FED. Nếu điều chỉnh biên độ giao dịch tỷ giá sớm hơn, theo từng bước nhỏ thì đã góp phần hạn chế tình trạng nêu trên”.

Cũng theo ông Hiếu, với diễn biến trên thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế, tỷ giá USD/VND có thể tăng ở mức 6% trong năm nay. Đây là mức biến động phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, không tác động quá lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu và kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rủi ro với thị trường ngoại hối bởi đồng USD được dự báo trong xu hướng tăng cao trong khi dư địa can thiệp thị trường ngoại hối của NHNN đang hẹp dần.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán KBSV, dự báo tỷ giá USD/VND tăng khoảng 5,5 - 6% trong năm 2022 trên cơ sở nguồn cung ngoại tệ tương đương mức đạt được trong năm 2021, hoạt động xuất khẩu bắt đầu chịu nhiều áp lực hơn vào cuối năm, nhưng kỳ vọng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kiều hối vẫn chảy đều về Việt Nam.

Riêng quý IV/2022, KBSV đánh giá sẽ là giai đoạn căng thẳng nhất về diễn biến tỷ giá trong nước do đồng USD nhiều khả năng tiếp tục tăng giá do CSTT thắt chặt của FED; dự trữ ngoại hối của Việt Nam tại thời điểm cuối tháng 9 đã thấp hơn mức 12 tuần nhập khẩu nên dư địa để NHNN có thể tiếp tục can thiệp tỷ giá thông qua bán USD từ dự trữ ngoại hối sẽ hẹp dần; FDI đăng ký mới chưa phục hồi hoàn toàn, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới dòng tiền FDI thực hiện trong tương lai.

Chuyên đề