Tranh chấp trong xây dựng thường xảy ra do vi phạm nghĩa vụ thanh toán, chậm tiến độ, chất lượng và khối lượng công việc, bảo lãnh và bảo đảm, trượt giá và điều chỉnh giá. Ảnh: Lê Tiên |
Đó là chia sẻ của nhiều luật sư tại Hội thảo trực tuyến “Hòa giải tranh chấp xây dựng” do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức sáng 6/10.
Bà Hoàng Nguyễn Hạ Quyên, Luật sư điều hành Công ty Luật LNT & Partners cho biết, 40% các vụ tranh chấp mà Phòng Thương mại quốc tế (ICC) thụ lý trong năm 2019 là liên quan đến hợp đồng xây dựng. Thời gian giải quyết trung bình 26 tháng cho 1 vụ việc tại ICC, những vụ việc phức tạp có thể lâu hơn rất nhiều. Số liệu này cho thấy tranh chấp trong hoạt động xây dựng xảy ra khá nhiều, giải quyết phức tạp.
Theo ông Đỗ Trọng Hải, Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Bizlink, Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC), tranh chấp liên quan đến xây dựng rất phức tạp. Từ kinh nghiệm 25 năm tham gia giải quyết các tranh chấp liên quan tới hoạt động xây dựng, ông Đỗ Trọng Hải thống kê các tranh chấp tập trung chủ yếu ở 5 nhóm: do vi phạm nghĩa vụ thanh toán; chậm trễ triển khai công trình và gia hạn; chất lượng và khối lượng công việc; bảo lãnh và bảo đảm; trượt giá và điều chỉnh giá. Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp ở mỗi nhóm cũng rất đa dạng. Ví dụ với nhóm tranh chấp do vi phạm nghĩa vụ thanh toán, thường do thỏa thuận, điều khoản về thanh toán trong hợp đồng không rõ ràng, các chủ đầu tư cố tình chây ì không thanh toán, nhà thầu phụ không nhận được thanh toán từ nhà thầu chính vì nhà thầu chính không nhận được từ chủ đầu tư; các bên lưu giữ hồ sơ thanh toán không đầy đủ…
Khi tranh chấp xảy ra, ông Đỗ Trọng Hải cho biết, các cơ chế chính thức được sử dụng tại Việt Nam để giải quyết là thông qua hòa giải, trọng tài và tòa án. Với kinh nghiệm của mình, ông Hải khuyến nghị các doanh nghiệp nên quan tâm sử dụng cơ chế hòa giải, tiết kiệm chi phí, khả năng win - win (cùng thắng) cao. Bởi vì nhiều khi doanh nghiệp cứ nghĩ rằng mình kiểu gì cũng thắng, nên lựa chọn ngay giải quyết bằng tòa án, nhưng cuối cùng không thắng, hoặc nếu có thắng thì rất “đau khổ” về sau. Còn nếu lựa chọn hòa giải thì vẫn có cơ hội tiếp tục giải quyết tranh chấp bằng tòa án, nếu hòa giải không thành công.
40% các vụ tranh chấp mà Phòng Thương mại quốc tế (ICC) thụ lý trong năm 2019 là liên quan đến hợp đồng xây dựng. Thời gian giải quyết trung bình 26 tháng cho 1 vụ việc tại ICC, những vụ việc phức tạp có thể lâu hơn rất nhiều.
Đồng quan điểm, bà Quyên chia sẻ, bên thắng trên danh nghĩa trong các vụ kiện đôi khi lại là người thua cuộc trên thực tế vì mất quá nhiều chi phí và thời gian. Bà Quyên dẫn ra một vụ việc thực tế chọn giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, chi phí mất 25 nghìn USD và vụ việc được giải quyết trong vòng vài ngày, trong khi đó chi phí dự kiến nếu đưa ra tòa án là 2,5 triệu USD và thời gian giải quyết 3 đến 5 năm.
Ngoài ra, ông Đỗ Trọng Hải cho biết, nhiều nhà thầu khi có tranh chấp mới nghĩ đến việc giải quyết tranh chấp, mà không chuẩn bị trước cho việc quản lý rủi ro ngay từ khi xây dựng, thực hiện hợp đồng. Ông Hải khuyến nghị doanh nghiệp nên chuẩn bị, hình dung sớm nếu tranh chấp thì giải quyết như thế nào, xác định nguồn lực về tài chính, con người ngay từ ban đầu để chủ động khi tình huống tranh chấp xảy ra. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nắm vững quy định pháp lý, lưu giữ các nguồn chứng cứ để khi tranh chấp xảy ra có chứng cứ mạnh…
Một số ý kiến lưu ý, để hạn chế tranh chấp về sau, ngay khi ký hợp đồng các bên đã phải lựa chọn hình thức hợp đồng hợp lý, nghiên cứu kỹ các điều khoản hợp đồng và đặc biệt là trong quá trình thực hiện cần chú trọng công tác quản lý hợp đồng.