Làm sao hạn chế tranh chấp hợp đồng xây dựng?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hợp đồng xây dựng có giá trị lớn, không phải mua bán các sản phẩm có sẵn mà hầu hết là các giao dịch trong tương lai, vì thế rất dễ xảy ra tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng. 
Có nhiều dạng tranh chấp trong hoạt động xây dựng, phổ biến là tranh chấp vi phạm về thanh toán chiếm 66%, vi phạm tiến độ thi công 43%... Ảnh: Nhã Chi
Có nhiều dạng tranh chấp trong hoạt động xây dựng, phổ biến là tranh chấp vi phạm về thanh toán chiếm 66%, vi phạm tiến độ thi công 43%... Ảnh: Nhã Chi

Các giải pháp phòng ngừa là cần thiết, vì khi đã ký hợp đồng không bên nào mong muốn tranh chấp xảy ra.

Theo Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), trong số các vụ kiện tranh chấp hợp đồng mà VIAC giải quyết thì 10 - 15% là hợp đồng xây dựng. Ông Phan Trọng Đạt, Phó Tổng thư ký VIAC, cho biết có nhiều dạng tranh chấp trong hoạt động xây dựng, liên quan tới thanh toán chiếm 66%, vi phạm tiến độ thi công 43%, vi phạm chất lượng công trình 33%, đơn phương chấm dứt hợp đồng chiếm 17%, còn lại là các nguyên nhân khác. Những vấn đề tranh chấp thường gặp liên quan đến chậm trễ của chủ đầu tư, hoạt động của nhà tư vấn, các khoản gia hạn thời gian hoàn thành, khoản tiền bảo hành, chất lượng vật liệu hay thay đổi chính sách từ cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

Từ thực tế giải quyết tranh chấp tại VIAC, các hợp đồng phát sinh tranh chấp mà VIAC xử lý thường có sự tham gia của nhiều nhà thầu (có cả nhà thầu nước ngoài); có áp dụng các quy định quốc tế hoặc các mẫu hợp đồng quốc tế (như FIDIC); áp dụng nhiều tiêu chuẩn thiết kế khác nhau của các nước; chuyển đổi chủ đầu tư trong quá trình triển khai.

Từ thực tế tranh chấp hợp đồng xây dựng xảy ra phổ biến, ông Nguyễn Bắc Thủy, Trưởng Phòng Kinh tế đầu tư và hợp đồng xây dựng thuộc Cục Kinh tế xây dựng - Bộ Xây dựng chỉ ra những vấn đề cần lưu ý để hạn chế phát sinh tranh chấp sau khi ký hợp đồng. Theo ông Thủy, việc lựa chọn loại hợp đồng, mô hình quản lý hợp đồng, chuẩn bị hồ sơ hợp đồng, quản trị hợp đồng… sẽ quyết định thành bại của hợp đồng xây dựng. Ông Thủy lấy ví dụ, nếu chưa đủ điều kiện làm hợp đồng EPC mà lựa chọn thì sẽ dẫn đến thất bại thê thảm, ví dụ nhiều dự án trong số 12 đại dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương là một trong những bài học nhãn tiền liên quan đến việc lựa chọn loại hợp đồng này khi chưa đủ dữ kiện thông tin để triển khai... Hoặc tư duy chia nhỏ dự án thành nhiều gói thầu, chia nhỏ gói thầu vì mục đích nào đó, thì vấn đề quản trị hợp đồng phải rất rõ, rất tốt, xử lý quan hệ toàn diện giữa các gói thầu với nhau thì mới tránh phát sinh tranh chấp.

Ông Đặng Xuân Hợp - Trọng tài viên VIAC, Giám đốc Hop Dang’s Chambers khuyến nghị chủ đầu tư và nhà thầu nên xác định trách nhiệm rõ ràng; tuân thủ đúng quy trình, đúng hợp đồng. Đồng thời, hợp đồng phải đầy đủ thông tin, bảng biểu tiến độ, kịp thời thông báo chậm trễ, khiếu nại, chi phí... Ví dụ để hạn chế tranh chấp thường xảy ra là hạng mục công việc thay đổi so với hợp đồng đã ký, chủ đầu tư và nhà thầu nên xác định trách nhiệm rõ ràng theo hợp đồng; khi phát sinh công việc bổ sung tuân thủ đúng quy trình, đúng hợp đồng; tránh việc tiền trạm hậu tấu và kịp thời thông báo yêu cầu thanh toán bổ sung. Hay phòng ngừa tranh chấp trong phạt chậm tiến độ, chủ đầu tư và nhà thầu nên xác định rõ trong hợp đồng thế nào là hoàn thành công trình; tránh nhầm lẫn trong việc tiếp quản công trình theo hợp đồng, trên thực tế hay theo luật...

Nếu tranh chấp xảy ra, ông Đạt lưu ý doanh nghiệp cần xem xét kỹ các bước tiền tố tụng, lựa chọn trọng tài viên, sự tham gia của luật sư, nhân chứng chuyên gia và xây dựng chiến lược phù hợp với vụ tranh chấp phức tạp.

Luật sư Tưởng Duy Lượng, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, lưu ý nếu trong hợp đồng hai bên thỏa thuận tòa án hoặc trọng tài nước ngoài giải quyết khi có tranh chấp, thực tiễn xuất hiện hai trường hợp tòa án hoặc trọng tài nước ngoài xử vắng mặt doanh nghiệp Việt Nam không bị coi là vi phạm tố tụng trọng tài. Đó là doanh nghiệp Việt Nam thay đổi địa chỉ mà không thông báo cho bên kia, tòa án hoặc trọng tài nước ngoài nhận được đơn khởi kiện đã gửi giấy triệu tập hoặc thông báo mở phiên tòa, phiên họp cho doanh nghiệp Việt Nam theo địa chỉ cũ, nhưng doanh nghiệp Việt Nam không nhận được, tòa án hoặc trọng tài nước ngoài xử vắng mặt. Thứ hai là địa chỉ doanh nghiệp Việt Nam không thay đổi nhưng nhận được giấy triệu tập của tòa án hoặc trọng tài nước ngoài nhưng không có phản hồi, không cung cấp tài liệu, không tham gia phiên tòa của tòa án, hoặc phiên họp của hội đồng trọng tài. Cả hai trường hợp này doanh nghiệp Việt Nam đều là bên thua kiện, bị thiệt hại nhiều mặt do đã tự tước quyền tham gia tố tụng, phiên tòa, phiên họp, mất cơ hội chứng minh bác bỏ yêu cầu không đúng của bên khởi kiện.

Chuyên đề