Giải pháp nào cho chứng khoán bớt rơi?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - VN-Index mất mốc 950 điểm khiến hàng loạt phương tiện truyền thông đưa tin thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang giảm mạnh nhất thế giới!. Diễn biến này chính thức ghi nhận một thực tế đảo ngược: chứng khoán Việt Nam khác hoàn toàn những cảm nhận lạc quan cuối năm 2021. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), Bộ Tài chính đã tổ chức 2 cuộc họp trong tuần qua để bàn về giải pháp cho TTCK, nhưng cách nào để chứng khoán bớt rơi đồng loạt và rơi quá mạnh, vẫn là câu hỏi ngỏ.
Bên cạnh “nỗi đau” thị trường chứng khoán Việt Nam đang giảm sâu nhất thế giới, cũng nên thấy ở đó có cơ hội cho những “cái đầu lạnh”, chọn cổ phiếu tốt để đầu tư. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Bên cạnh “nỗi đau” thị trường chứng khoán Việt Nam đang giảm sâu nhất thế giới, cũng nên thấy ở đó có cơ hội cho những “cái đầu lạnh”, chọn cổ phiếu tốt để đầu tư. Ảnh minh họa: Nhã Chi

VN-Index mất trên 37%, kiến nghị giảm biên độ giá

“VN-Index rơi sâu quá”; “VN-Index rơi 50 điểm rồi kìa…”. Những lời cảm thán của tổng giám đốc một công ty chứng khoán lớn trong một số phiên giao dịch tuần qua cho thấy sự bàng hoàng, lo lắng trước tình cảnh chỉ số rơi quá nhanh, quá sâu và ông chưa thấy đâu giải pháp cho thị trường.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến nhà đầu tư bán tháo, nhưng rõ nhất và lớn nhất là dòng tiền cạn kiệt và giá cổ phiếu rơi sâu ngoài sức chịu đựng của đại đa số nhà đầu tư. VN-Index rơi về vùng 940 điểm, tức là mất trên 560 điểm, tương đương mất 37,5% so với đầu năm. Không chỉ nhà đầu tư ồ ạt cắt lỗ, các tổ chức cung cấp margin (khoảng 170.000 tỷ đồng, tính đến cuối quý III/2022) cũng buộc phải ra lệnh bán giải chấp, càng khiến cán cân cung - cầu thị trường mất cân bằng. Cả thị trường xoay xở trong khó khăn và trông đợi những giải pháp từ nhà quản lý.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, trong tình cảnh hiện nay, UBCK, Bộ Tài chính nên xem xét giảm biên độ dao động giá cổ phiếu để ổn định tâm lý nhà đầu tư. Mức giảm, theo ông Hòa, nên về 3 - 5% trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho đến khi tâm lý thị trường cân bằng trở lại. Đây là giải pháp hoàn toàn trong thẩm quyền của ngành chứng khoán, bởi Thông tư số 120/2020/TT-BTC đang trao quyền điều chỉnh biên độ cho Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, sau khi được UBCK chấp thuận.

Trong 22 năm hoạt động, TTCK Việt Nam đã thực hiện 9 lần thay đổi biên độ dao động giá, 7 lần tăng và 2 lần giảm. Trong quan điểm của nhà quản lý, việc tăng - giảm biên độ phụ thuộc vào tình hình và biến động của thị trường. Khi TTCK diễn biến xấu thì giảm biên độ dao động giá là biện pháp cần thiết nhằm ngăn thị trường giảm sốc.

Bên cạnh đề xuất giảm biên độ, Tổng giám đốc BVSC kiến nghị, nên cho phép doanh nghiệp niêm yết được mua cổ phiếu quỹ, nhưng không phải giảm vốn điều lệ. Số cổ phiếu quỹ này doanh nghiệp sẽ giữ lại và bán ra vào thời điểm thích hợp. Nếu giải pháp này được thực hiện, sàn chứng khoán sẽ có thêm một dòng tiền từ các doanh nghiệp niêm yết bỏ ra mua cổ phiếu của chính mình.

Cần bình tâm nhận diện TTCK

TTCK Việt Nam ghi nhận mức giảm kỷ lục, nhưng không phải là thị trường duy nhất giảm mạnh. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông cũng giảm 36,48% kể từ đầu năm 2022 đến ngày 31/10/2022. Tiếp theo, chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI ACWI giảm 21,98%; chỉ số Shang Hai của Trung Quốc giảm 19,89%; chỉ số S&P500 của Mỹ giảm 18,15%; chỉ số DAX của Đức giảm 16,63%... trong giai đoạn này. TTCK toàn cầu biến động mạnh xuất phát từ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về kinh tế - chính trị thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Tuy nhiên, điểm khác biệt của Việt Nam trong bức tranh ảm đạm trên toàn cầu là thực tế và triển vọng tăng trưởng kinh tế vĩ mô nước ta đang rất tích cực. Với việc GDP 9 tháng đầu năm 2022 tăng 8,83%, hàng loạt tổ chức lớn liên tục đưa ra những nhận định khả quan về Việt Nam. IMF dự báo, năm 2022, tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 7,9%; UOB dự báo 8,2%; HSBC dự báo 7,6%, Moody’s dự báo 8,5%... Những dự báo này cho thấy, kinh tế vĩ mô của Việt Nam có triển vọng tươi sáng hơn kế hoạch. Đây sẽ là những yếu tố nền tảng hỗ trợ TTCK lấy lại phong độ và phản ánh đúng thực lực nền kinh tế, như cách người ta gọi chứng khoán là “phong vũ biểu” của kinh tế vĩ mô.

Cũng trong góc nhìn lạc quan, ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng VinaCapital gọi Việt Nam là “vùng an toàn kinh tế” trong số các thị trường mới nổi. Điểm cộng cho Việt Nam là tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào thị trường nội địa và lạm phát vẫn ở mức dưới 4%. Việt Nam hiện là quốc gia hiếm hoi có chính sách lãi suất cao hơn tỷ lệ lạm phát, khiến VND trở nên hấp dẫn cho người Việt Nam gửi tiết kiệm hơn là bán VND để mua USD…

Khác với những ghi nhận tích cực về kinh tế vĩ mô, trên sàn chứng khoán hàng loạt cổ phiếu lớn trong rổ tính VN30 như VHM, VPB, CTG, TCB, MBB, HPG, SSI… rơi giá rất mạnh, trở về vùng định giá có P/E dưới 10 lần, thậm chí dưới 5 lần. Thực tế này đáng để nhà đầu tư bình tâm, ngẫm về triết lý đầu tư của tỷ phú huyền thoại Warren Buffett: “Hãy tham lam khi thị trường sợ hãi và ngược lại”.

Trong lúc chờ nhà quản lý có giải pháp cụ thể, bên cạnh việc chịu đựng nỗi đau TTCK Việt Nam giảm sâu nhất thế giới, cũng nên thấy ở đó có cơ hội cho những “cái đầu lạnh”, chọn cổ phiếu tốt để đầu tư.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư