Giải bài toán tỷ giá - lãi suất thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau khi giữ ổn định trong tháng 7, tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng trong nửa đầu tháng 8. Nguyên nhân chính của biến động này được cho là nhu cầu ngoại tệ tăng có tính mùa vụ và do chênh lệch lớn giữa lãi suất VND và lãi suất USD. Do đó, việc giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cần cân nhắc mức độ và thời điểm để tránh các tác động bất lợi.
Ngày 17/8, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 23.951 VND/USD, tăng 33 đồng so với hôm trước đó. Ảnh: Song Lê
Ngày 17/8, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 23.951 VND/USD, tăng 33 đồng so với hôm trước đó. Ảnh: Song Lê

Ngày 17/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm ở mức 23.951 VND/USD, tăng 33 đồng so với hôm trước đó. Với biên độ 5% theo quy định, tỷ giá đồng USD được giao dịch ở mức 22.753 - 25.149 VND. Tại các ngân hàng, giá mua USD hiện ở mức 23.710 - 23.795 VND, giá bán ra trong phạm vi 24.076 - 24.138 VND. Giá USD đã tăng 1,62% so với đầu năm và tăng 2% so với mức thấp nhất năm được thiết lập trong tháng 5/2023.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán MBS, lãi suất VND giảm trong thời gian qua là yếu tố chính khiến VND mất giá so với USD. Hiện lãi suất cho vay qua đêm VND ở mức 0,2% trong khi đó lãi suất cho vay qua đêm bằng USD giữa các ngân hàng ở mức trên 5%. Đây là mức chênh lệch lớn và khó có khả năng thu hẹp trong tương lai gần, cộng thêm nhu cầu USD cũng thường gia tăng vào cuối năm theo yếu tố mùa vụ khiến cho tỷ giá USD/VND nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán MBS cho rằng, áp lực lên VND đã tăng nhưng không gây áp lực đến ổn định kinh tế vĩ mô và mức giảm giá của VND so với USD vẫn còn khá thấp so với các đồng tiền khác trong khu vực. Diễn biến gần đây của tỷ giá sẽ khiến NHNN thận trọng hơn với các thông điệp nới lỏng chính sách tiền tệ. Nhiều khả năng NHNN sẽ không tiếp tục hạ lãi suất điều hành trước khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có động thái hạ lãi suất vào năm sau.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng, trong đó giảm lãi suất được chú trọng. Tuy nhiên, còn nhiều điểm cần lưu tâm khi thực hiện chính sách này, đặc biệt là biến động tỷ giá.

Theo biên bản cuộc họp tháng 7 vừa được Fed công bố ngày 17/8 (giờ Việt Nam), hầu hết các quan chức dự họp đều lo ngại cuộc chiến chống lạm phát còn lâu mới kết thúc và Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) có thể cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa. Hầu như tất cả các quan chức tham gia cuộc họp tháng 7 đều ủng hộ tiếp tục tăng lãi suất. Trước đó, ngày 26/7, Fed tiếp tục tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm %, đưa lãi suất lên mức cao nhất 22 năm. Trong khi tại Việt Nam, NHNN đã 4 lần hạ lãi suất điều hành, đi ngược với xu hướng của đa số các nước lớn.

Lãi suất VND giảm trong thời gian qua là yếu tố chính khiến VND mất giá so với USD. Ảnh: Nhã Chi

Lãi suất VND giảm trong thời gian qua là yếu tố chính khiến VND mất giá so với USD. Ảnh: Nhã Chi

“Diễn biến đồng USD tăng giá trong nửa đầu tháng 8 là điều đáng lưu tâm. Nếu lãi suất đồng USD tăng cao và Việt Nam tiếp tục giảm lãi suất sẽ tạo kỳ vọng giảm giá VND. Khi đó, cần quan sát và có giải pháp ứng phó kịp thời để hạn chế tác động với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và rủi ro dòng vốn đảo chiều. Dù vậy, nhiều khả năng tổng mức giảm giá của VND so với USD trong cả năm nay chỉ khoảng 2%”, ông Thành nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính thuộc Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, việc tỷ giá USD/VND tăng khá mạnh trong những ngày gần đây xuất phát từ hai nguyên nhân là yếu tố “mùa vụ xuất nhập khẩu” và chênh lệch lãi suất giữa VND và USD.

Theo đó, một số thời điểm tỷ giá USD/VND có thể tăng là giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 9 do nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất; giai đoạn trước Giáng sinh và giai đoạn sau Tết Dương lịch và trước Tết Âm lịch. Về lãi suất, nhiều nước trên thế giới có xu hướng tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát trong khi lãi suất VND vẫn giữ mức thấp. Do đó, ở thời điểm hiện tại, tỷ giá USD/VND đang chịu tác động từ cả hai yếu tố nêu trên.

Dự báo tỷ giá tăng cao sẽ gây tác động ngắn hạn về nhập khẩu lạm phát song ông Huân cho rằng, chưa cần can thiệp tỷ giá. Mặt khác, tình hình xuất khẩu từ nay đến cuối năm có thể khả quan hơn, đặc biệt là các ngành nông sản, điện tử được dự báo tích cực hơn so với giai đoạn trước, sẽ hỗ trợ tích cực cho dự trữ ngoại hối.

Vị chuyên gia này cũng lưu ý, lãi suất VND giảm và lãi suất USD tăng có thể dẫn đến tình trạng dịch chuyển dòng vốn. Do đó, từ giờ đến cuối năm, NHNN cần cân nhắc nên lựa chọn giảm tiếp lãi suất hoặc mức giảm để tránh áp lực lớn về tỷ giá và những tác động bất lợi khác.

Tại báo cáo điểm lại kinh tế vĩ mô Việt Nam công bố mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh mẽ ở các nền kinh tế phát triển quy mô lớn nhằm chống lạm phát kéo dài có thể nới rộng chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và quốc tế. Theo WB, nhu cầu tín dụng tại Việt Nam vẫn tiếp tục ở mức thấp mặc dù lãi suất đã giảm, việc cắt giảm lãi suất thêm nữa chưa chắc đã đem lại hiệu ứng mong muốn về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, cắt giảm lãi suất sẽ làm tăng chênh lệch lãi suất với các thị trường trên toàn cầu, có khả năng gây áp lực cho tỷ giá.

Chuyên đề