Giá vàng dự báo sẽ tiếp tục tăng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng trong nước đã tăng gần 6 triệu đồng/lượng, tương ứng mức tăng 14%, giá vàng thế giới cũng đã tăng vọt 243 USD/oz, tương ứng mức tăng 16%. 
Giá vàng trong nước đã tăng gần 6 triệu đồng/lượng, tương ứng mức tăng 14% so với phiên giao dịch đầu năm 2020. Ảnh: V.Minh
Giá vàng trong nước đã tăng gần 6 triệu đồng/lượng, tương ứng mức tăng 14% so với phiên giao dịch đầu năm 2020. Ảnh: V.Minh

Dự báo, trong thời gian tới, giá vàng sẽ tiếp tục xu hướng đi lên dù khó có những bước tăng đột biến.

Dịch Covid-19 và diễn biến bất ổn về địa chính trị thế giới là 2 yếu tố tác động mạnh nhất đến giá vàng trong thời gian qua. Ngày 23/6, giá vàng thế giới lại vọt lên đỉnh 5 tuần giữa lúc lo ngại gia tăng về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trên phạm vi toàn cầu và các nền kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn. Sáng 23/6 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.760 USD/oz, tương ứng mức tăng khoảng 16% so với phiên giao dịch đầu năm 2020. Trong khi đó, năm 2019, giá vàng thế giới tăng 18,6% và là mức tăng theo năm mạnh nhất kể từ năm 2010.

Đến 15h ngày 23/6, giá vàng miếng SJC mua vào - bán ra được Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 48,7 triệu đồng/lượng - 48,9 triệu đồng/lượng; mức giá niêm yết tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn là 48,650 triệu đồng/lượng - 49,020 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 100 ngàn đồng/lượng so với cuối ngày 22/6. Giá vàng hiện tại tăng khoảng 14% so với phiên giao dịch đầu năm 2020.

Đã từng có nhiều dự báo là giá vàng thế giới sẽ tăng lên mức 2.000 USD/oz trong năm nay. Nhiều tổ chức tài chính thế giới nhận định, vàng sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và nhờ đó vẫn có cơ hội tăng lên các mức cao mới.

Phân tích thị trường vàng thế giới và trong nước, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) cho rằng, từ đầu năm đến nay, giá vàng chịu tác động chủ yếu từ các xung đột địa chính trị giữa Mỹ và Iran, Mỹ và Trung Quốc cùng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, để khắc phục tổn thất từ dịch Covid, nhiều nước tung ra các gói kích cầu khiến tăng lượng tiền trong nền kinh tế. Khi các hoạt động kinh tế chưa đủ sức gượng dậy mà tiền đổ ra quá nhiều sẽ trở thành dư thừa và vàng là kênh trú ẩn được nhiều người lựa chọn.

Song tại sao giá vàng thế giới không tăng vọt lên mức 1.900 USD/oz và giá vàng trong nước không vượt qua mức 50 triệu đồng/lượng như nhiều người dự đoán? Theo ông Hải, điều này có thể nhìn thấy từ diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ và thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo đó, dù dịch bệnh tại Mỹ diễn biến phức tạp, số người chết tăng cao, song chỉ số chứng khoán Dow Jones của nước này đã lấy lại đà tăng mạnh, lên mức trên 26 nghìn điểm sau khi giảm xuống 20 nghìn điểm vào giữa tháng 3. “Điều đó cho thấy, tiền không chỉ đổ vào vàng mà vào cả thị trường chứng khoán khi các chính sách kích thích kinh tế để tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump thu hút sự chú ý của giới đầu tư”, ông Hải phân tích.

Dự báo về xu hướng của giá vàng trong thời gian tới, ông Hải cho rằng, giá vàng thế giới sẽ chịu tác động chủ yếu từ chính trường nước Mỹ, trong đó, diễn biến bầu cử vào tháng 11 sẽ chi phối phần lớn. “Để tranh cử, Tổng thống Donald Trump đang nỗ lực kích cầu đối với nền kinh tế, tiền sẽ lại nhiều và giá vàng nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng, song khó có thể đột phá như những đợt tăng mạnh mẽ trước đây”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Chuyên đề