Gia tăng sức ép hoàn thành mục tiêu tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quý I/2023, tổng sản phẩm trong nước (GDP) chỉ tăng 3,32%, là mức thấp thứ 2 trong giai đoạn 2011 - 2023. Kết quả này gây áp lực cho khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023. Mặc dù vậy, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, vẫn có 3 động lực nổi bật giúp nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng như Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.
Trong quý I, khu vực công nghiệp và xây dựng, một trong những động lực chính của nền kinh tế, suy giảm 0,4%, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng GDP. Ảnh: Lê Tiên
Trong quý I, khu vực công nghiệp và xây dựng, một trong những động lực chính của nền kinh tế, suy giảm 0,4%, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng GDP. Ảnh: Lê Tiên

Thuận lợi và thách thức đan xen

Số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I/2023 vừa được Tổng cục Thống kê công bố ghi nhận GDP quý I/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, so với cùng kỳ trong giai đoạn 2011 - 2023 chỉ cao hơn mức tăng 3,21% của quý I năm 2020. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.

Theo kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ, để đạt mục tiêu cả năm tăng trưởng 6,5% thì quý I và quý II cần phải đạt được mức tăng lần lượt là 5,6% và 6,7%. Tổng cục Thống kê lý giải, việc không đạt mức tăng GDP đề ra trong quý I/2023 chủ yếu là do các ngành công nghiệp, đặc biệt là sản xuất của một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm, khiến cho giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37%.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận xét, kinh tế - xã hội quý I/2023 tuy chưa đạt tăng trưởng cao, nhưng là kết quả tích cực, đáng ghi nhận khi trong cùng thời gian này, tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới ở mức rất thấp hoặc suy giảm.

Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn tiếp tục thể hiện vai trò trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế. Khu vực dịch vụ thấy rõ sự phục hồi, sôi động với số lượt khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh, phản ánh hiệu quả của chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại từ ngày 15/3/2022 khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh.

Trong quý I, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 46,11% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 0,02%, đóng góp 0,14%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 8,33%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 10,52%.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước trong quý I đạt 13,4% kế hoạch năm và tăng 18,1% so cùng kỳ năm 2022, thể hiện chuyển biến tích cực trong việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ các tháng đầu năm 2023 (quý I/2022 đạt 12,9% kế hoạch), góp phần vào tăng trưởng của ngành xây dựng và tích lũy tài sản. Mặc dù kim ngạch xuất, nhập khẩu cùng giảm, nhưng cán cân thương mại xuất siêu đã đóng góp vào mức tăng trưởng chung của GDP quý I.

Động lực tăng trưởng của 3 quý cuối năm

Để tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,5%, trong 9 tháng còn lại của năm 2023, GDP cần phải tăng khoảng 7,5%. Đây là mức tăng khá cao trong bối cảnh các khó khăn, thách thức của nền kinh tế vẫn hiện hữu, những biến động từ kinh tế thế giới tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam…

Thông thường, kinh tế Việt Nam thường tăng trưởng thấp trong quý I, gia tăng dần ở quý II, sau đó bứt phá từ nửa cuối năm. Năm 2023, kinh tế Việt Nam vẫn có thể đi theo xu hướng này. Dựa trên phân tích quá khứ, ông Lê Trung Hiếu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê tính toán, để đảm bảo mức tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,5%, tăng trưởng quý II cần đạt được mục tiêu Nghị quyết số 01 đề ra là 6,7% (trong đó điều chỉnh mức tăng giữa các khu vực để phù hợp với diễn biến tình hình thực tế như: giảm mức tăng của khu vực công nghiệp 1,2%; tăng mức tăng của khu vực dịch vụ lên 0,8%). Đến quý III và quý IV, mức tăng trưởng cần tăng thêm lần lượt 1% và 0,9% so với mục tiêu đưa ra trong Nghị quyết.

Để đạt được mục tiêu, 3 động lực nổi bật cho tăng trưởng kinh tế năm 2023 được ông Lê Trung Hiếu nhấn mạnh, đó là đầu tư, tiêu dùng cuối cùng và xuất khẩu.

Đối với đầu tư, năm 2023 là “điểm rơi” của đầu tư công, đầu tư công trung hạn, đầu tư từ gói phát triển hạ tầng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội… Do đó, Tổng cục Thống kê cho rằng, đầu tư công sẽ là động lực nổi bật thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong những quý cuối năm.

Đối với tiêu dùng, tiêu dùng cuối cùng của dân cư tiếp tục phục hồi trên nền thấp của các năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch nội địa phát triển mạnh, thu nhập hộ gia đình, người lao động tăng lên... dự báo sẽ kích thích người dân tiêu dùng trong thời gian tới.

Xuất nhập khẩu quý I có suy giảm, nhưng du lịch quốc tế tăng cao, xuất khẩu dịch vụ du lịch tăng 3,4 lần so với quý I năm 2022. Dự báo, từ nay tới cuối năm, tăng trưởng xuất khẩu dịch vụ du lịch sẽ tiếp tục được cải thiện.

Chuyên đề