Gia tăng giám sát sở hữu chéo ngân hàng

(BĐT) - Nhiều ngân hàng đã công bố thông tin cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ. Đây là động thái mới nhất trong nỗ lực giảm sở hữu chéo và thao túng ngân hàng.
Nhiều ngân hàng đã công bố thông tin về cổ đông lớn và tỷ lệ sở hữu. Ảnh: Song Lê
Nhiều ngân hàng đã công bố thông tin về cổ đông lớn và tỷ lệ sở hữu. Ảnh: Song Lê

Song, giới phân tích kỳ vọng sẽ có những đợt kiểm tra, thanh tra các thông tin về tỷ lệ sở hữu được ngân hàng công bố và có chế tài xử lý mạnh tay với các sai phạm. Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) khuyến nghị, cần tăng cường khung thể chế để phát hiện và xử lý các vấn đề phát sinh từ mối quan hệ liên kết giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực từ 1/7/2024 quy định, các cổ đông nắm giữ trên 1% vốn điều lệ của ngân hàng phải công bố thông tin của chính cổ đông, người có liên quan và tỷ lệ sở hữu. Khái niệm "người có liên quan" được mở rộng đến cả ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cô, dì, chú, bác, các cháu, tức là 5 thế hệ.

Thực hiện quy định này, mới đây, nhiều ngân hàng đã công bố thông tin về cổ đông lớn và tỷ lệ sở hữu. Tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), trong số 19 cổ đông (bao gồm 16 cổ đông cá nhân và 3 cổ đông tổ chức) đang sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên, Tập đoàn Geleximco là cổ đông tổ chức nắm giữ lượng cổ phần lớn thứ 2 với tỷ lệ tương đương 12,78% vốn điều lệ; người liên quan đến tập đoàn này nắm hơn 48,1 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,65%. Công ty CP Glexhomes - một công ty do Tập đoàn Geleximco sáng lập cũng đang sở hữu 4,43% cổ phần tại ABBank. Ông Vũ Văn Tiền, Phó Chủ tịch HĐQT ABBank, đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Geleximco không trực tiếp sở hữu cổ phần tại ABBank nhưng đang nắm 33,5% cổ phần tại Geleximco. Ông Vũ Văn Hậu, em ruột ông Vũ Văn Tiền, cùng người liên quan đang sở hữu gần 180 triệu cổ phần, tương ứng 17,41% vốn ABBank.

Tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), có tổng cộng 5 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Trong đó, cổ đông tổ chức lớn nhất là Tập đoàn GELEX sở hữu 85,6 triệu cổ phiếu EIB, tương ứng 4,9% vốn điều lệ.

Có ý kiến đề xuất đẩy mạnh liên thông về cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực ngân hàng và các lĩnh vực khác để xây dựng hệ thống tự động phát hiện sai phạm và cảnh báo sớm. Ảnh: Nhã Chi

Có ý kiến đề xuất đẩy mạnh liên thông về cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực ngân hàng và các lĩnh vực khác để xây dựng hệ thống tự động phát hiện sai phạm và cảnh báo sớm. Ảnh: Nhã Chi

Trong danh sách 20 cổ đông đang sở hữu 80,6% vốn của Ngân hàng TMCP Phương Đông, có 13 cổ đông tổ chức. Trong đó, Tổng công ty Bến Thành nắm 4,96% vốn; Đầu tư Bình An House nắm 4,74% vốn; Greenwave Capital nắm 4,44% vốn; Đầu tư HVR nắm 3,85% vốn; Đầu tư và Xây lắp điện số 8 Bình Thuận sở hữu 3,27% vốn; Công ty CP Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Tây Ninh nắm 3,25%…

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, các ngân hàng công bố thông tin về tỷ lệ sở hữu của các cổ đông lớn là bước tiến đáng chú ý trong thực hiện công khai, minh bạch, hướng tới giảm tình trạng sở hữu chéo, vốn là nguyên nhân chính dẫn đến việc thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng, gây ra những hệ lụy đáng ngại trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, quy định công bố thông tin cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên sẽ giúp các nhà đầu tư có cái nhìn rõ ràng hơn về cơ cấu sở hữu, từ đó đánh giá chính xác rủi ro và tiềm năng của ngân hàng. Tuy nhiên, việc cải thiện tiến tới giảm tình trạng sở hữu chéo là quá trình dài, cần được thực hiện liên tục và có giám sát chặt chẽ.

Tại Báo cáo điểm lại về kinh tế Việt Nam tháng 8/2024 với tiêu đề “Vươn tới tầm cao mới trên thị trường vốn” công bố ngày 26/8, WB khuyến nghị, trên cơ sở một số chính sách cải cách gần đây, cần có những bước tiến quan trọng hơn để giảm rủi ro và những tổn hại có thể xảy ra trong lĩnh vực tài chính. Một trong những hành động được khuyến nghị là tăng cường khung thể chế về giám sát an toàn, bao gồm việc phát hiện và xử lý các vấn đề phát sinh từ mối quan hệ liên kết giữa ngân hàng với các tập đoàn, doanh nghiệp, đặc biệt các ngân hàng có mối quan hệ liên kết với doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản.

Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024, một cổ đông cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng; một cổ đông tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ; cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhìn nhận, sở hữu chéo dẫn đến việc chi phối và thao túng hoạt động của ngân hàng đã xảy ra từ năm 2015 với điển hình là vụ việc tại Ngân hàng Xây dựng (CB Bank) và Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank). Hơn 8 năm sau đó, tình trạng sở hữu chéo và thao túng hoạt động ngân hàng vẫn xảy ra với vụ việc tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) năm 2022. “Điều đó cho thấy đây là cách thức được lựa chọn, có chủ đích và chuẩn bị tinh vi, nên việc đối phó với chiêu trò thao túng ngân hàng là không dễ dàng. Vì thế, cùng với yêu cầu tất cả các ngân hàng công khai minh bạch tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn, cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, giám sát việc sở hữu chéo và có chế tài nghiêm nếu phát hiện vi phạm, công khai các vụ việc vi phạm để có tính răn đe”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng, cần đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng và các lĩnh vực khác để có thể liên thông về cơ sở dữ liệu, từ đó xây dựng hệ thống tự động phát hiện sai phạm và cảnh báo sớm. Việc này đòi hỏi phải chuẩn hóa dữ liệu của ngành ngân hàng, trong khi hiện nay các ngân hàng sử dụng giải pháp công nghệ ngân hàng (core banking) khác nhau. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sử dụng 2, 3 sổ sách kế toán nên khó có thể kiểm soát dòng tiền luân chuyển trong nền kinh tế. Dù vậy, giải pháp công nghệ sẽ là cách thức hiệu quả để đồng bộ dữ liệu, tăng cường minh bạch và quản trị rủi ro của ngành ngân hàng, nên cần nỗ lực thực hiện.

Chuyên đề