BSR đang quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, nơi sản xuất ra các sản phẩm sử dụng trong cuộc sống và sản xuất là mặt hàng xăng dầu |
Việc CPH 3 công ty này nằm trong kế hoạch CPH các doanh nghiệp có vốn nhà nước mà Chính phủ đang đẩy mạnh. Đây là những công ty trụ cột trong ngành năng lượng của Việt Nam và có tiềm năng phát triển mạnh. Cổ phần của những công ty này là cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư chuyên về năng lượng và dầu khí, đặc biệt là khi giá dầu thế giới đang phục hồi và có xu hướng ổn định.
Điều kiện thuận lợi để cổ phần hóa
Được thành lập năm 2008 tại Quảng Ngãi, BSR có 100% vốn điều lệ do công ty mẹ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nắm giữ. Hoạt động của BSR bao gồm sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu, vận chuyển và phân phối dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ, sửa chữa và bảo dưỡng máy móc, thiết bị trong ngành lọc - hóa dầu và cung cấp các dịch vụ liên quan đến dầu mỏ.
Sau gần 10 năm đi vào hoạt động, BSR đã sản xuất và kinh doanh đạt gần 50 triệu tấn sản phẩm các loại, chiếm khoảng 40% nhu cầu xăng dầu trong cả nước; tổng doanh thu đạt gần 870 nghìn tỷ đồng (tương đương 40 tỷ USD); nộp ngân sách nhà nước gần 150 nghìn tỷ đồng (tương đương trên 6,5 tỷ USD). Tính đến cuối tháng 11/2017, giá trị nộp ngân sách nhà nước của BSR đạt trên 6 tỷ USD, gấp đôi tổng mức đầu tư Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất (khoảng 3 tỷ USD), điều này cho thấy hiệu quả của Dự án NMLD Dung Quất.
Một điểm đáng chú ý là tình hình tài chính trong 4 năm gần đây của BSR luôn có sự tăng tiến và ổn định. Riêng năm 2016, tình hình tài chính của Công ty mặc dù có sụt giảm do giá dầu thô thế giới ở mức thấp, nhưng BSR đã lấy lại được sự ổn định trong năm 2017. Theo Báo cáo tài chính tháng 11/2017, tỉ lệ sinh lời (ROA, ROE) và các chỉ số thanh khoản của BSR khá cao; tỉ lệ đòn bẩy tài chính thì ở mức rất thấp. Chính các chỉ tiêu tài chính tốt tại thời điểm này là điều kiện thuận lợi để BSR thực hiện CPH.
Những báo cáo của BSR và thông tin trên các phương tiện truyền thông cho thấy, kết quả sản xuất kinh doanh của BSR cho 11 tháng năm 2017 cũng rất khả quan. BSR đã nhập 6,08 triệu tấn dầu thô và xuất bán 5,57 triệu tấn sản phẩm xăng dầu các loại, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu xăng dầu của cả nước. Doanh thu đạt 71.900 tỷ đồng trong 11 tháng năm 2017. Các chỉ số ROA, ROE và các chỉ số tài chính khác được dự báo sẽ tiếp tục khả quan. Đặc biệt, BSR có tính thanh khoản cao so với chỉ số bình quân của các công ty lọc hoá dầu trên thế giới. Tiền mặt và tài sản tương đương tiền có tỉ lệ gần gấp đôi các món nợ đến hạn trong vòng 12 tháng vào ngày 30/11/2017 và chỉ số thanh khoản (tài sản có ngắn hạn trên tài sản nợ ngắn hạn) có tỉ lệ cao lên đến 3:1, một tỉ lệ lý tưởng bảo đảm khả năng trả nợ các khoản nợ đến hạn trong vòng 12 tháng.
Hiện tại, BSR đang quản lý, vận hành NMLD Dung Quất, nơi sản xuất ra các sản phẩm sử dụng trong cuộc sống và sản xuất là mặt hàng xăng dầu. Với việc Nhà máy luôn vận hành, sản xuất tuyệt đối an toàn và ổn định, liên tục, BSR đảm bảo đáp ứng trên 1/3 nhu cầu xăng dầu nội địa. Hiện Công ty đã hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín, bảo đảm đầu vào và đầu ra của hoạt động sản xuất kinh doanh.
*) Tiền mặt và các khoản tương đương tiền/Nợ ngắn hạn
**) Tài sản có ngắn hạn/Nợ ngắn hạn
Sự hấp dẫn của cổ phiếu BSR
Trên cơ sở các báo cáo tài chính, báo cáo quản trị của BSR, dự báo giá thị trường của cổ phiếu BSR tại thời điểm IPO lần đầu sẽ ở mức 23.000 - 25.000 đồng/cổ phiếu. Dự báo này dựa trên kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian qua và số liệu của các NMLD tương tự trong khu vực và trên thế giới. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế dự báo cho cả năm 2017 của BSR là 7,6 nghìn tỷ đồng; chỉ số P/E là 10:1, dựa trên chỉ số P/E trung bình của các NMLD tương tự trên thế giới và hiệu quả kinh doanh, thị phần, năng lực cạnh tranh và lịch sử hoạt động của BSR.
Cổ phiếu của BSR đang được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm trước quyết định CPH BSR của Thủ tướng Chính phủ, nhất là trong lúc này thị trường chứng khoán đang tăng trưởng ngoạn mục, chỉ số VN Index tăng lên mức trên 900 điểm và vẫn đang trong xu hướng tăng. Trong các kênh đầu tư hiện nay bao gồm chứng khoán, bất động sản, ngoại tệ, vàng và gửi tiền ngân hàng thì kênh đầu tư chứng khoán được xem là hấp dẫn khi các chỉ số chứng khoán tăng mạnh trong năm nay. Đặc biệt, chứng khoán ngành dầu khí được xem là sản phẩm đầu tư rất hấp dẫn vì vai trò trọng yếu của ngành dầu khí trong nền kinh tế Việt Nam.
Với BSR, triển vọng phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng lợi nhuận lại càng trở nên lớn hơn khi NMLD Dung Quất sẽ tăng năng suất sản xuất với đầu vào và đầu ra được đảm bảo bởi các nhà cung cấp, nhà phân phối có uy tín, chiếm thị phần lớn như: SOCAR, GLENCORE, PVOil, PETROLIMEX,… và trong tương lai gần BSR cũng sẽ đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới để phục vụ nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp và của người tiêu dùng.
Với hoạt động kinh doanh khả quan hiện nay và tiềm năng phát triển mạnh của BSR trong những năm tới, việc CPH BSR được dự báo sẽ gặp nhiều thuận lợi để mời gọi các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Với cơ cấu cổ đông mới, chuyển đổi từ doanh nghiệp có 100% vốn của PVN sang doanh nghiệp mà PVN chỉ còn nắm giữ 43% và phần còn lại sẽ dành cho các nhà đầu tư chiến lược, cán bộ nhân viên và đại chúng, thì cơ cấu tổ chức sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ. Hội đồng quản trị sẽ là một tập thể đại diện của những nhóm cổ đông này. Mô hình tổ chức và điều hành của bộ máy quản trị sẽ phải được xây dựng dựa trên những nguyên tắc quản trị doanh nghiệp và theo thông lệ quốc tế. Với cơ cấu và phương thức vận hành mới, BSR có cơ hội không những phát huy được tiềm năng phát triển nội địa, mà còn có khả năng vươn ra thị trường dầu khí thế giới.
Việc được tổ chức lại theo thông lệ quốc tế, BSR có cơ hội tham gia và hội nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế, và do đó giá trị cổ phiếu được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tới.