Giá dầu giảm sẽ gây áp lực lên ngân sách năm 2016

(BĐT) - Năm qua, việc giá dầu giảm sâu đã tác động không nhỏ đến hoạt động thu chi ngân sách, các ngành và cả nền kinh tế. Nhiều khả năng giá dầu sẽ còn xuống trong năm 2016 và tác động trực tiếp đến ngành dầu khí và các ngành năng lượng liên quan.
Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải để kiểm soát chặt chẽ giá xăng dầu và vận tải. Ảnh: Nhã Chi
Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải để kiểm soát chặt chẽ giá xăng dầu và vận tải. Ảnh: Nhã Chi

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dự toán thu ngân sách năm 2015 là 911.000 tỷ đồng, đến ngày 26/12 đã vượt 4,2%. Cả năm thu ngân sách đạt khoảng 973.000 - 976.000 tỷ đồng, tăng 62.000 - 65.000 tỷ đồng so với dự toán, tăng 13% so với số thực hiện năm 2014. Theo tính toán, khả năng sẽ không phải dùng đến 10.000 tỷ đồng thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để bù đắp hụt thu.

Năm qua, việc giá dầu giảm sâu đã tác động không nhỏ đến hoạt động thu chi ngân sách, các ngành và cả nền kinh tế. Tuy nhiên, nhờ quá trình điều hành, ứng phó kịp thời, thu chi ngân sách nhà nước không hề bị động. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Ninh, việc đưa ra các phương án linh hoạt để chủ động ứng phó với giá dầu giảm là một thành công trong điều hành kinh tế vĩ mô năm 2015.

Trong đó, đáng chú ý nhất là việc đưa thêm kịch bản ứng phó với giá dầu ở mức 40 - 50 USD/thùng và việc tăng sản lượng khai thác dầu thêm 1 triệu tấn. Ngoài ra, việc đưa vào khai thác từ các mỏ dầu khí ở nước ngoài như tại Nga, Peru đã đưa về ngoại tệ khoảng 1,4 tỷ USD. Do đó, ngành dầu khí cũng phần nào khắc phục được phần hụt thu lớn từ giá dầu giảm và phần nào bảo đảm được mục tiêu doanh thu trong năm 2015, giúp cho thu ngân sách giảm áp lực.

Tuy nhiên, khi nhìn nhận về năm 2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhận định, giá dầu nhiều khả năng sẽ còn xuống trong năm 2016. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến ngành dầu khí và các ngành năng lượng liên quan.

Do đó, cần phải có phương án ứng phó với giá dầu giảm, đồng thời chú ý đến kế hoạch khai thác dầu thô trong kế hoạch 5 năm, mỗi năm gia tăng trữ lượng phát hiện dầu khí đạt 35 - 45 triệu tấn dầu quy đổi. Hiện trữ lượng dầu tiềm năng khoảng 4 tỷ m3 dầu quy đổi, song mới chỉ xác định được 1,4 tỷ m3. Vì vậy, ngành dầu khí cần phải tích cực trong khâu tìm kiếm, thăm dò và có chỉ đạo sản xuất cho phù hợp, nếu không sẽ không đáp ứng được trữ lượng dầu cho quốc gia.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, giá dầu năm 2016 có khả năng tác động mạnh đến ngân sách. Theo dự toán Chính phủ đưa ra và được Quốc hội phê duyệt, giá dầu năm 2016 ở quanh mức 60 USD/thùng. Do đó, rút kinh nghiệm điều hành của năm 2015, Bộ Tài Chính sẽ có phương án tính toán điều hành sát thực tiễn. Theo đó, bên cạnh các phương án 40 - 45 USD/thùng và 50 - 55 USD/thùng, Bộ Tài chính sẽ đưa thêm phương án giá dầu ở mức 30 USD/thùng để định hướng điều hành cho hợp lý và linh hoạt với tình hình, bảo đảm việc thu chi ngân sách của 2016. Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải để kiểm soát chặt chẽ giá cả đầu vào, đặc biệt là giá xăng dầu và vận tải, giúp cho giảm chi phí, giá thành đầu vào để doanh nghiệp có thêm sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Để hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2016, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng yêu cầu các địa phương tích cực triển khai các giải pháp thu ngân sách ngay từ đầu năm. Đối với chi, tinh thần là phải cực kỳ tiết kiệm để có điều kiện bố trí ngân sách để làm lương và các việc khác. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng nhấn mạnh: “Cả năm 2016 và thời gian tới, kịch bản ngân sách phải đi theo hướng thắt chặt. Do đó, các địa phương cần quán triệt tinh thần phải thắt chặt chi tiêu để tiết kiệm chi ngân sách. Cùng với đó, thời gian tới, Bộ Tài chính phải có kịch bản ứng phó với xu thế giá dầu giảm”.

Chuyên đề