Gần 7.000 xe công dùng sai mục đích, tiêu chuẩn giai đoạn 2016 - 2021

0:00 / 0:00
0:00
Báo cáo của đoàn giám sát cho thấy vẫn còn xảy ra hiện tượng mua sắm và sử dụng tài sản công là phương tiện đi lại không đúng mục đích. Giai đoạn 2016 - 2021 có 6.976 xe công (ô tô, mô tô, xe gắn máy) sử dụng sai mục đích, sai tiêu chuẩn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021. Ảnh: QH
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021. Ảnh: QH

Đầu tư xây dựng trụ sở chưa phù hợp

Chiều 24.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021.

Báo cáo bước đầu của đoàn giám sát về quản lý tài sản nhà nước cho thấy, qua kết quả kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, đoàn giám sát đánh giá, quản lý, sử dụng tài sản công còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, báo cáo cho hay vẫn còn xảy ra hiện tượng mua sắm và sử dụng tài sản công là phương tiện đi lại; phương tiện, thiết bị làm việc, đầu tư xây dựng, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không đúng mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu giá khi xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.

Vẫn còn tình trạng đầu tư xây dựng trụ sở chưa phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.

Việc xử lý, sắp xếp các trụ sở cũ và huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để tạo nguồn vốn đầu tư chưa hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát. Việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất của các bộ, ngành, địa phương và khối doanh nghiệp còn chậm.

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng nêu rõ vẫn còn tình trạng mua sắm, sử dụng không đúng mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc không tuân thủ quy định của pháp luật đấu thầu việc mua sắm trang thiết bị y tế, kit test COVID-19,...

Tổng hợp số liệu báo cáo không đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2016 - 2021, cho thấy, số lượng phương tiện đi lại (ô tô, mô tô, xe gắn máy) sử dụng sai mục đích, sai tiêu chuẩn, chế độ là 6.976 chiếc; số tiền xử lý vi phạm về sử dụng phương tiện đi lại là 4,8 tỉ đồng.

Số lượng tài sản khác được trang bị, sử dụng sai mục đích, sai chế độ phát hiện được là 33.608 tài sản; số tiền xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng tài sản khác là 38,234 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, diện tích trụ sở sử dụng sai mục đích, sai tiêu chuẩn, chế độ là 47.324,5 m2; diện tích trụ sở sử dụng sai chế độ đã xử lý là 37.317 m2; số tiền xử lý vi phạm, thanh lý trụ sở thu được là 452,7 tỉ đồng; diện tích nhà công vụ sử dụng sai mục đích, sai tiêu chuẩn, chế độ là 147.911 m2…

Hơn 650 triệu m2 đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa

Về việc quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, báo cáo cho thấy số lượng, diện tích đất đai chưa sử dụng, để lãng phí, hoang hóa hoặc sử dụng sai mục đích còn diễn ra ở hầu hết các địa phương. Bên cạnh đó, việc thu hồi các dự án không triển khai thực hiện, chậm tiến độ chưa được thực hiện theo đúng quy định của luật Đất đai.

Báo cáo dẫn số liệu của Bộ Tài chính cho hay, giai đoạn giai đoạn 2016 - 2021 vẫn còn hơn 650 triệu m2 đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, có vi phạm pháp luật. Trong khi đó, diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa đã xử lý thu hồi là hơn 1,6 triệu m2.

Tuy nhiên, báo cáo cho hay, số tiền xử phạt vi phạm thu được lại rất nhỏ cả giai đoạn chỉ có 242.082 triệu đồng.

Báo cáo của đoàn giám sát cũng cho hay, qua báo cáo của Bộ TN-MT, tình hình thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai của cả nước từ khi ban hành luật Đất đai năm 2013 đến nay vẫn còn lớn.

Theo đó, đã thu hồi hoặc hủy bỏ 336/575 dự án, công trình với tổng diện tích 99.543,97 ha đối với dự án, công trình đã có quyết định giao, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ.

Báo cáo cũng cho hay, có 22 tỉnh, thành có dự án thu hồi hoặc hủy bỏ. Trong đó, TPHCM là địa phương thu hồi dự án, công trình nhiều nhất nước với 121 dự án, công trình; thứ hai là tỉnh Lâm Đồng với 61 dự án, công trình; thứ ba là tỉnh Thanh Hóa với 24 dự án, công trình.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư