Khâu kiểm soát chất lượng vật liệu xây không nung cần được nâng cao. Ảnh: Lê Tiên |
Dùng gạch không nung, nhà thầu đối diện với… lỗ
Một nhà thầu chuyên thi công trường học tại TP.HCM chia sẻ với Báo Đấu thầu: “Cứ hoàn thành công trình nào sử dụng gạch không nung là lo ngay ngáy. Lo nhất là gạch có độ co ngót cao mà thợ không lành nghề thì chỉ có… lỗ, vì quanh năm phải đi bảo hành, sửa chữa”.
Từ kinh nghiệm thực tế, một đơn vị tư vấn giám sát chia sẻ thêm: “Dẫu công trình đã bàn giao sử dụng và hết thời gian bảo hành nhưng có bất kỳ sự cố nhẹ nào, nhà thầu vẫn phải có trách nhiệm sửa chữa. Điều này thực sự ám ảnh với bất kỳ nhà thầu nào khi nhắc đến gạch không nung”.
Tại hạng mục xảy ra tình trạng nứt tường thuộc công trình Bệnh viện Đa khoa khu vực huyện Cái Nước (Cà Mau) như đã phản ánh, toàn bộ cán bộ nhân viên của Công ty TNHH Nga Thủy đeo bám tại công trình trong suốt những ngày cuối tuần. “Chúng tôi rất mong muốn có những thông tin khách quan để lấy lại uy tín của Nhà thầu. Sử dụng gạch không nung đang khiến chúng tôi cực kỳ mệt mỏi, tốn kém”, đại diện nhà thầu này chia sẻ. Có một danh sách khá dài những nhà thầu xây dựng lớn cho biết, họ chấp nhận chịu phạt khi chưa sử dụng gạch không nung.
Thực tế cho thấy, có tình trạng doanh nghiệp không tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXKN; bán sản phẩm gạch không nung cho khách hàng trong khi gạch chưa đảm bảo đủ thời gian đông kết nên khi thi công đã xảy ra hiện tượng co ngót, rạn nứt hoặc tường bị thấm...
Cần nhìn vào thực tế
Vụ Vật liệu xây dựng thuộc Bộ Xây dựng đánh giá, trong thực tế, việc phát triển VLXKN chưa đạt được kỳ vọng của các nhà quản lý và chuyên gia hoạch định chính sách. Đối với VLXKN cần có phương pháp xây dựng và định mức xây dựng, hướng dẫn thi công riêng. Do công nhân không được đào tạo kỹ, không hiểu rõ, dẫn đến chất lượng công trình không tốt, có sự cố phát sinh. Nhiều nhà máy sản xuất VLXKN còn lạc hậu, chất lượng sản phẩm không tốt trà trộn với sản phẩm đạt chất lượng. Do đó, khâu kiểm soát chất lượng cần được nâng cao. Như vậy, có nhiều yếu tố dẫn tới việc sử dụng VLXKN không như kỳ vọng, trong đó có nguyên nhân không đến từ phía nhà thầu.
Thực tế, nếu thi công bằng gạch đất nung bình thường, thao tác khi cắt, chặt viên gạch của người thợ rất dễ dàng. Trong khi nếu thi công bằng gạch không nung thì việc cắt, chặt rất khó, khối lượng viên gạch cũng lớn, nặng nề hơn... Vì vậy, thợ xây hầu như không “mặn mà” với gạch không nung.
Trong khi đó, một yếu tố quan trọng là vữa xây tô hiện cũng chưa có hướng dẫn và quy định. Do đó, nhà thầu phải tự lo việc lựa chọn vữa xây phù hợp với từng chủng loại gạch để đảm bảo chất lượng công trình.
Trong một hội thảo đánh giá về việc sử dụng VLXKN, Bộ Xây dựng thừa nhận, chất lượng gạch, vữa xây trát đôi lúc, đôi chỗ còn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn; chất lượng các loại vật liệu phụ và phụ kiện không đảm bảo; chưa đa dạng hoá sản xuất, cung ứng các loại VLXKN để phù hợp với điều kiện nguyên liệu, sản xuất, thói quen sử dụng… Trong khi đó, thiết kế kiến trúc, thiết kế kết cấu, thiết kế thi công, thẩm tra, thẩm định khi sử dụng VLXKN không có sự khác biệt so với gạch nung; thi công không đúng với hướng dẫn kỹ thuật; VLXKN không được thử nghiệm, kiểm tra trước khi đưa vào sử dụng; người thợ chưa nắm được quy trình thi công…
Do đó, các nhà thầu cho rằng, Bộ Xây dựng nên cùng các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý, hướng dẫn sử dụng, đánh giá tổng quan và ghi nhận kiến nghị của các địa phương… để có chính sách đúng đắn về phát triển VLXKN tại Việt Nam, góp phần giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi trường.
Nhìn vào thực tế trên và lắng nghe chính những nhà thầu đang trực tiếp thi công sẽ tìm được câu trả lời cho câu hỏi: “Làm thế nào để gạch không nung không còn là nỗi ám ảnh, “bó tay, bó chân” nhà thầu?”.