Nhiều địa phương cho rằng, tỷ lệ sử dụng vật liệu xây dựng không nung theo quy định là quá cao, khó triển khai trên thực tế |
Có nên áp dụng đại trà?
Theo Thông tư số 13/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn hơn 30% phải sử dụng VLXKN, trong đó có gạch không nung trong tổng số vật liệu xây dựng với tỷ lệ theo từng địa bàn. Cụ thể, Hà Nội và TP.HCM sử dụng 100%, tại các tỉnh đồng bằng trung du Bắc Bộ, các tỉnh Đông Nam Bộ: các khu đô thị từ loại III trở lên sử dụng tối thiểu 90%, các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 70%. Tại các tỉnh còn lại: các đô thị từ loại III trở lên phải sử dụng tối thiểu 70%, các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 50%.
Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 80% VLXKN trong tổng số vật liệu xây. Các công trình có yêu cầu đặc thù không sử dụng VLXKN thì phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, chấp thuận. Nhà nước khuyến khích sử dụng VLXKN vào các công trình xây dựng, không phân biệt nguồn vốn, số tầng.
Theo các chuyên gia, gạch không nung được đánh giá là sản phẩm có nhiều ưu việt, bởi nó biến phế liệu công nghiệp thành chính phẩm. Tuy nhiên, trái với mong muốn, nhiều doanh nghiệp sản xuất loại gạch này từ nguyên liệu chính là mạt đá (khai thác đá vôi nghiền ra thành mạt đá) và cát. Thậm chí tại Quảng Ninh, do không có mỏ cát để sản xuất gạch, gạch không nung được sản xuất từ cát mỏ Vân Hải. Đây là cát titan và cát phale, gây lãng phí tài nguyên quý, giá thành viên gạch cao, lại nảy sinh tình trạng khai thác vụng trộm, gây sạt lở sông suối, đê điều...
Nhiều địa phương cho rằng, tỷ lệ sử dụng VLXKN như trên là quá cao, khó triển khai trên thực tế. Việc áp dụng VLXKN một cách đại trà gây khó khăn cho nhiều địa phương, nhất là khi những điểm yếu của VLXKN hiện nay chưa được khắc phục. Ngoài ra, việc quy định tỷ lệ sử dụng VLXKN phải tùy thuộc vào tình hình khí hậu, kinh tế, tài nguyên của từng địa phương để đem đến hiệu quả cao nhất.
Một số ý kiến khác đề xuất, những địa phương có điều kiện đặc thù thì Chính phủ có thể đẩy mạnh phát triển loại vật liệu đó nhằm mang lại hiệu quả cao, giá thành và chi phí vận chuyển giảm. Đối với những khu vực không đáp ứng đủ điều kiện trong việc phát triển VLXKN thì có thể linh hoạt thay bằng các vật liệu khác hiệu quả hơn.
Tỉnh cấm, tỉnh “kêu”
Năm 2014, UBND tỉnh Bến Tre có công văn tạm ngưng việc bắt buộc sử dụng gạch không nung trong các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Cụ thể, Bến Tre yêu cầu những công trình đang xây dựng dở dang (phần móng, khung) chuyển sang sử dụng vật liệu truyền thống (gạch nung), còn những công trình chưa triển khai thì giao quyền chọn gạch cho chủ đầu tư. Trước đó, UBND tỉnh Bến Tre đã thực hiện chủ trương của Bộ Xây dựng là sử dụng VLXKN thay thế vật liệu truyền thống tại các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Sở dĩ UBND tỉnh Bến Tre đưa ra quyết định nói trên là do phát hiện nhiều công trình sử dụng gạch không nung gặp sự cố rạn nứt. Cụ thể, tại công trình hội trường UBND xã Mỹ Thành (TP. Bến Tre), bên trong công trình mới hoàn thành này đã có những vết nứt ngang, dọc, chạy dài từ đầu đến cuối chân tường... Sự cố này khiến đơn vị được thụ hưởng công trình là UBND xã Mỹ Thành không dám ký nghiệm thu công trình... Bên cạnh đó, công trình trụ sở UBND xã Sơn Đông (TP. Bến Tre) cũng sử dụng gạch không nung và được phát hiện sự cố từ sớm khi bị nứt phần tường rào...
Thời điểm đó, UBND tỉnh Bến Tre cho biết, gạch kiểm định đạt yêu cầu, nhưng lúc xây thì xảy ra co ngót, rạn nứt tường.
Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, thời gian qua, rất nhiều địa phương và chủ đầu tư đã gửi văn bản đến Bộ Xây dựng “kêu” về vấn đề này. Cụ thể, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cho biết, trong thời gian qua, một số công trình sử dụng gạch không nung trên địa bàn đã xảy ra sự cố về chất lượng.
Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh cho biết, gạch không nung trên địa bàn Tỉnh chủ yếu sử dụng nguyên liệu mạt đá, xi măng và cát, ép rung cường độ thấp, cơ bản chưa hợp quy. Công nghệ đó đã lạc hậu và chất lượng không cao. Viên gạch sau khi được sản xuất có độ ngậm nước cao, nặng tường, cường độ chịu lực yếu, lớp sơn bên ngoài nhanh hoen ố, bong tróc. Một bệnh viện ở địa phương vừa xây xong, treo chiếc quạt lên tường đã rơi, không thể lắp đặt được các thiết bị y tế. Vì vậy, người sử dụng công trình phải khoét từng ô tường để gia cường bằng vật liệu khác có khả năng chịu lực cao hơn mới gá lắp được thiết bị treo tường.
VLXKN đã và đang gây ra những rắc rối như thế nào cho các nhà thầu, Báo Đấu thầu sẽ phản ánh trong số báo tiếp theo.