Fitch lạc quan về hệ thống ngân hàng Việt Nam

(BĐT) - Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings vừa công bố mức độ tín nhiệm về nhà phát hành nợ dài hạn (IDRs) của 5 ngân hàng Việt Nam ngày 30/3/2017. Theo đó, các ngân hàng có quy mô lớn nhận được những đánh giá khá tích cực.
Kinh tế tăng trưởng ổn định sẽ hỗ trợ hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Ảnh: Tường Lâm
Kinh tế tăng trưởng ổn định sẽ hỗ trợ hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Ảnh: Tường Lâm

Cải thiện tích cực

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) được xếp hạng ở mức ‘B+’. Trong khi đó, Ngân hàng Á Châu (ACB) và Ngân hàng Quân đội (MB) được xếp hạng ở mức ‘B’. Triển vọng đối với 5 ngân hàng này được Fitch đánh giá ở mức ổn định.

Việc xếp hạng Agribank, VietinBank, và Vietcombank ở mức B+ phản ánh niềm tin của Fitch đối với các ngân hàng có vị trí rất quan trọng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam này. Các ngân hàng này nằm trong nhóm 4 ngân hàng lớn nhất Việt Nam tính theo tiêu chí quy mô tổng tài sản và mạng lưới.

Cũng theo Fitch, xếp hạng của 3 ngân hàng này vẫn dưới 1 bậc so với xếp hạng tín nhiệm quốc gia (BB-/ổn định) bởi quy mô của ngành ngân hàng tương quan với GDP, và tình hình tài chính công có thể hạn chế mức độ hỗ trợ của Chính phủ đối với các ngân hàng này.

ACB được đánh giá tín nhiệm mức B do ngân hàng này có hồ sơ tín dụng ổn định. Chất lượng các khoản nợ đang trở nên tốt hơn so với phần lớn các ngân hàng khác vì rủi ro cho vay tập trung thấp. Tỷ lệ nợ xấu được công bố là 0,9% cuối năm 2016 (năm 2015 con số này là 1,3%).

Ngân hàng Quân đội MB, một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam, cũng được xếp hạng tín nhiệm mức B nhờ có mạng lưới rộng lớn. Fitch kỳ vọng MB với lãi suất ròng cao hơn và cấu trúc chi phí tốt sẽ tiếp tục tạo ra lợi nhuận cao hơn các ngân hàng khác. Tổ chức này dự đoán tỷ suất vốn (nợ dài hạn/nguồn vốn dài hạn) của MB ở mức 13,4% tại thời điểm cuối tháng 9/2016, cao hơn các ngân hàng khác. Tỷ lệ tổng nợ/tổng tiền gửi của MB là 73% tại thời điểm cuối tháng 6/2016.

So với kỳ hạn xếp hạng trước, kỳ xếp hạng này của Fitch không có nhiều thay đổi, ngoài một số đánh giá tích cực hơn về hoạt động của các ngân hàng. 

Hưởng lợi từ sự ổn định kinh tế

Tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh có thể gây áp lực lên chất lượng tài sản và nguồn vốn. Tuy nhiên, áp lực này sẽ được giảm thiểu nhờ điều kiện hoạt động lành mạnh, lợi nhuận giữ lại cao, và vốn tài trợ định kỳ tốt.
Fitch cho rằng, kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định sẽ hỗ trợ hoạt động của hệ thống ngân hàng trong nước. Tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh có thể gây áp lực lên chất lượng tài sản và nguồn vốn. Tuy nhiên, áp lực này sẽ được giảm thiểu nhờ điều kiện hoạt động lành mạnh, lợi nhuận giữ lại cao, và vốn tài trợ định kỳ tốt.

Theo quan điểm của tổ chức này thực trạng nợ xấu ở các ngân hàng Việt Nam vẫn còn. Sự tăng trưởng nhanh của tín dụng ngắn hạn có thể mang lại rủi ro về chất lượng tài sản trong tương lai, bất chấp sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế đang hỗ trợ việc xử lý các khoản nợ xấu còn tồn tại.

Fitch cũng cho rằng, tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam sẽ vẫn khó khăn do biên lợi nhuận thấp và mức trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cao. Tuy nhiên, những hạn chế này được khắc phục bởi sự duy trì tăng trưởng của các khoản cho vay bán lẻ có tỷ suất lợi nhuận cao. Đồng thời kỳ vọng hệ thống quỹ tín dụng và tính thanh khoản tiếp tục vững chắc.

Tuy nhiên, lợi nhuận, chất lượng tài sản và tính thanh khoản có thể bị ảnh hưởng nếu Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, vì điều đó dẫn đến sự mất giá của đồng nội tệ Việt Nam và sự gia tăng đô la hóa.

Chuyên đề