Với việc đồng EUR tăng vọt, những doanh nghiệp đang đi vay bằng đồng tiền này sẽ phát sinh thêm các khoản chi phí “từ trên trời rơi xuống”.
Đồng EUR tiếp tục lên giá
Chủ tịch ECB cho biết sự phục hồi kinh tế của khu vực Eurozone vẫn phải phụ thuộc vào hỗ trợ của chính sách tiền tệ. ECB nhấn mạnh, lạm phát của khu vực này chưa tăng như mong muốn và sự phục hồi của Eurozone sẽ tiếp tục dựa vào chính sách tiền tệ mở rộng. ECB cũng nhấn mạnh đến đà tăng của đồng EUR. Ngân hàng trung ương này đang giám sát xem liệu điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến lạm phát và tăng trưởng ở Eurozone.
Thông điệp này của ECB đã làm cho đồng EUR tiếp tục tăng giá. Tỷ giá EUR/USD tăng mạnh, vượt qua mốc EUR = 1,2 USD. Như vậy, kể từ đầu năm đến ngày 8/9, tỷ giá đồng EUR/USD đã tăng tới 14%.
Còn theo tỷ giá của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), tỷ giá EUR quy đổi ra VND ngày 8/9 là 27.614 đồng, tăng hơn 1% so với ngày 7/9. Kể từ đầu năm 2017 đến thời điểm 8/9, tỷ giá 1 EUR quy đổi ra VND đã tăng tới 14,5%.
Dư nợ ngoại tệ tại thời điểm cuối năm 2016 (Đơn vị tính: tỷ đồng)
Doanh nghiệp nào bị ảnh hưởng?
Các doanh nghiệp vay nợ ngoại tệ thường có biến động rất lớn về lợi nhuận, có thể lãi hay lỗ chỉ sau 1 thời gian ngắn mà nguyên nhân không chỉ do hoạt động kinh doanh chính.
Bằng chứng cụ thể là kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh của Vicem Bút Sơn trong quý II/2017 do tỷ giá EUR/VND tăng tới 6,6% trong khoảng thời gian này. Cụ thể, trong quý II, lỗ chênh lệch tỷ giá đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ lại tăng gấp 7 lần (từ 6,7 tỷ đồng lên 47 tỷ đồng). Do vậy, mặc dù doanh thu thuần quý II/2017 của Công ty đạt 885 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước và các khoản chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp chỉ dao động không đáng kể, nhưng do chi phí tài chính tăng mạnh (gấp 6 lần so với cùng kỳ 2016) làm lỗ quý II của Vicem Bút Sơn là gần 10,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2016 lãi ròng đạt gần 56 tỷ đồng.
Hiện trên sàn chứng khoán một số doanh nghiệp niêm yết đang có những khoản vay bằng đồng EUR khá lớn. Có thể kể đến Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn (BCC), Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1), Công ty CP Nhiệt điện dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) và Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn (BTS). Ngoài ra, “ông lớn” Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) cũng đang vay nợ rất nhiều bằng EUR.
Việc vay nợ ngoại tệ là điều không thể tránh khỏi đối với các doanh nghiệp và tất nhiên việc vay nợ này hàm chứa khá nhiều rủi ro. Với việc đồng EUR tiếp tục tăng giá mạnh, kết quả kinh doanh năm 2017 của các doanh nghiệp nêu trên có thể chịu nhiều tác động tiêu cực.
Theo tính toán của Báo Đấu thầu, lỗ chênh lệch tỷ giá do đồng EUR tăng giá tại thời điểm 8/9 mà Xi măng Bỉm Sơn, Xi măng Hà Tiên 1, Nhiệt điện Nhơn Trạch 2, Xi măng Bút Sơn, VICEM đang phải hứng chịu lần lượt là 34 tỷ, 315 tỷ, 193 tỷ, 91 tỷ, và 641 tỷ đồng. Ở đây, những khoản lỗ chênh lệch tỷ giá nêu trên được tính toán dựa trên khoản nợ gốc của các doanh nghiệp này từ thời điểm đầu năm 2017 đến ngày 8/9.