Nhiều địa phương tại Bắc Giang không đạt 50% dự toán thu tiền sử dụng đất. Ảnh minh họa: Giang Đông |
Theo UBND tỉnh Bắc Giang, nhiều địa phương trên địa bàn Tỉnh không đạt 50% dự toán thu tiền sử dụng đất trong nửa đầu năm nay như: huyện Yên Dũng đạt 26,9%, huyện Việt Yên đạt 27,5%, huyện Lục Nam đạt 29,2%, huyện Lục Ngạn đạt 35,6%, huyện Lạng Giang đạt 35,7%, huyện Hiệp Hòa đạt 36,5%, TP. Bắc Giang đạt 38,9%...
Nguyên nhân được UBND tỉnh Bắc Giang chỉ ra tại Kỳ họp thứ 11 của HĐND Tỉnh khóa XIX là do thị trường bất động sản trầm lắng, chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao dẫn đến một số dự án gặp khó khăn về tài chính. Tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu mua bán, giao dịch bất động sản. Một số dự án xây dựng hạ tầng để đấu giá quyền sử dụng đất triển khai giải phóng mặt bằng chậm, dẫn đến chưa thực hiện được kế hoạch đấu giá đất như dự kiến. Bên cạnh đó, một số cuộc đấu giá quyền sử dụng đất không đạt mục tiêu đề ra. Một số địa bàn, dự án tổ chức đấu giá nhưng số lượng người tham gia ít, chênh lệch giữa giá trúng đấu giá và giá khởi điểm thấp. Nhiều trường hợp người trúng đấu giá bỏ tiền đặt cọc, không thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Đơn cử, phiên đấu giá quyền sử dụng đất ở thuộc các phường, xã: Đa Mai, Tân Tiến và Đồng Sơn của TP. Bắc Giang do Công ty Đấu giá hợp danh Thành Phát tổ chức ngày 18/3/2023, có 18/100 lô đất được đấu giá thành công; phiên đấu giá quyền sử dụng 126 lô đất ở thuộc khu dân cư dọc hai bên đường giao thông từ khu vực Nhà Văn hóa thôn Sẫu đi thôn Thanh Mai, phường Đa Mai, TP. Bắc Giang chỉ có 27 lô đất được đấu giá thành công…
Theo phản ánh của bà Nguyễn Ngọc Luyên - Chủ tịch HĐTV Công ty Đấu giá hợp danh Đại Dương Group tại cuộc gặp mặt giữa doanh nghiệp với lãnh đạo UBND Tỉnh, việc xây dựng giá đất để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở (xây dựng giá theo thời điểm năm 2022) chưa phù hợp với thị trường, rất ít nhà đầu tư, người dân tham gia.
Để khắc phục tình trạng “ế ẩm” này, theo bà Luyên, Tỉnh không nên căn cứ vào giá năm liền kề khi giá thị trường thay đổi giảm để xây dựng giá khởi điểm đấu giá. Cùng với đó, thời gian nộp tiền trúng đấu giá 30 ngày là chưa phù hợp, trong khi Nghị định số 10/2023/NĐ-CP quy định là 120 ngày. Mức tiền đặt trước theo quy định của Tỉnh là 15 - 20%, còn theo quy định tại Luật Đấu giá tài sản là từ 5 - 20%, bà Luyên đề nghị Tỉnh giao tổ chức đấu giá xác định mức tiền đặt trước, góp phần nâng cao tính khả thi của hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất.
Trong nhiệm vụ thu ngân sách của tỉnh Bắc Giang 6 tháng cuối năm 2023, tiền sử dụng đất dự kiến phải thu 4.064,8 tỷ đồng. Để hoàn thành chỉ tiêu, theo UBND Tỉnh, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp phải tiếp tục quyết tâm phục hồi sản xuất kinh doanh. Các cấp, các ngành và các huyện, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ thẩm định giá đất; tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến thu hút đầu tư, đẩy nhanh các dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm, có quy mô lớn quyết định đến tăng trưởng kinh tế nhằm huy động nguồn thu kịp thời vào ngân sách nhà nước. Đồng thời, thay đổi phương thức, thời gian đấu giá và xây dựng giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất đảm bảo sát với giá thị trường và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của địa phương…
“Trường hợp số thu tiền sử dụng đất giảm so với dự toán, đồng thời ngân sách địa phương cũng bị giảm thu tổng thể, thì thực hiện cắt, giảm, hoặc giãn tiến độ thực hiện của công trình, dự án được bố trí chi từ nguồn thu này”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn nêu rõ.
Tại Kỳ họp thứ 11 vừa qua, Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh Bắc Giang đề nghị UBND Tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố kịp thời rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023 phù hợp với dự báo khả năng thu tiền sử dụng đất.
Có thể thấy, việc thu tiền sử dụng đất đạt thấp ảnh hưởng lớn đến vốn đầu tư công được giải ngân của Bắc Giang. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Giang, tính đến ngày 30/6/2023, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư phát triển của Tỉnh đạt 4.208,4 tỷ đồng, bằng 34% kế hoạch.