Được định giá nghìn tỷ, Viettronics có gì hấp dẫn?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 8/2 tới, hơn 38,5 triệu cổ phần Tổng công ty CP Điện tử và Tin học Việt Nam (Viettronics, mã chứng khoán: VEC) thuộc sở hữu của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ được đấu giá với mức khởi điểm hơn 1.066 tỷ đồng. Trong khi kết quả kinh doanh khiêm tốn, sức hấp dẫn của thương vụ đến từ đâu là câu hỏi được nhiều người quan tâm lúc này.

Kể từ khi được giao dịch trên thị trường chứng khoán vào tháng 7/2007, thị giá cao nhất của cổ phiếu VEC ở mức 21.600 đồng/CP vào ngày 6/1/2022. Kết thúc phiên giao dịch cuối năm 2022, giá cổ phiếu VEC đóng cửa ở mức 17.000 đồng/CP, bằng khoảng 60% so với giá khởi điểm 27.679 đồng/CP trong phiên đấu giá sắp tới.

Mức định giá trên cũng là ấn tượng so với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2016 - 2021, doanh thu của Viettronics có sự sụt giảm đáng kể. Trong đó, Tổng công ty không còn duy trì được doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng từ năm 2019.

Dù ghi nhận doanh thu lớn, song lợi nhuận sau thuế của Viettronics trong giai đoạn 2016 - 2021 chưa tới 20 tỷ đồng/năm. Lợi nhuận cao nhất mà tổng công ty này đạt được là 15,1 tỷ đồng vào năm 2018, tương đương với thu nhập trên một cổ phần (EPS) ở mức 344,7 đồng. Tạm tính với mức EPS trên, một cổ phần VEC được định giá P/E lên tới 80,3 lần trong phiên đấu giá tới.

9 tháng đầu năm 2022, Viettronics ghi nhận doanh thu thuần đạt 369,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2,2 tỷ đồng, giảm tương ứng 9% và 56% so với cùng kỳ năm 2021.

Kết quả kinh doanh của Viettronics qua các năm

Kết quả kinh doanh của Viettronics qua các năm

Sức hấp dẫn của cuộc đấu giá có thể đến từ khối lượng cổ phần đấu giá, chiếm tỷ lệ 87,97% vốn điều lệ thực góp của Viettronics. Việc sở hữu số cổ phần này sẽ giúp nhà đầu tư có quyền quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp.

Theo tìm hiểu, Viettronics cùng các đơn vị thành viên đang quản lý và sử dụng nhiều khu đất đắc địa như: Khu đất 15 Trần Hưng Đạo, Hà Nội (544,89 m2); 29F Hai Bà Trưng, Hà Nội (288 m2); 197 Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM (425,52 m2)…

Bên cạnh đó, Viettronics còn quản lý một số khu đất lớn, như số 16 đường Cát Bi, phường Cát Bi, quận Hải An, Hải Phòng với diện tích 9.046 m2. Trong đó, 7.766 m2 là đất xây dựng Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics và 1.280 m2 là đất thuộc hành lang bảo vệ đê. Viettronics đã được UBND TP. Hải Phòng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khu đất này. Theo phương án sắp xếp sử dụng, khu đất này sẽ tiếp tục sử dụng xây dựng Trường.

Liên quan đến Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics, đây là đơn vị phụ thuộc, hoạt động trên tài sản và đất thuộc sở hữu của Viettronics. Trường tọa lạc tại vị trí số 118, đường Cát Bi, quận Hải An, TP. Hải Phòng. Kể từ khi triển khai thoái vốn tại Viettronics vào năm 2016, SCIC đã xin ý kiến nhiều bộ, ngành về việc xử lý phần giá trị đối với Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics. Ngày 11/8/2020, SCIC có công văn gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo triển khai thoái vốn tại Viettronics; trong đó, phương án xử lý Trường sẽ do các cổ đông của Viettronics (sau khi SCIC thoái vốn) quyết định.

Ngoài ra, Viettronics đang quản lý khu đất tại Lô 14-E5, Khu đô thị mới Cầu Giấy, TP. Hà Nội (diện tích 4.300 m2). Đây là khu đất mà Viettronics hợp tác với Công ty CP Đầu tư bất động sản Hà Thành để phát triển Dự án Xây dựng tòa nhà hỗn hợp Viettronics - Hà Thành, tuy nhiên chưa được Nhà nước giao đất, chấp thuận chủ trương đầu tư và thực hiện Dự án.

Chuyên đề