Đua tăng lãi suất huy động: Dấu hiệu bất ổn thanh khoản?

Cuộc đua tăng lãi suất huy động có sự tham gia của những ngân hàng lớn khiến không ít chuyên gia lo ngại sự bất ổn thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang quay trở lại.
Thanh khoản của nhiều ngân hàng sẽ ngày càng căng thẳng.
Thanh khoản của nhiều ngân hàng sẽ ngày càng căng thẳng.

Cuộc đua lãi suất huy động lại nóng lên khi Eximbank điều chỉnh tăng lãi suất huy động kỳ 36 tháng lên 8% dành cho khách hàng gửi tiền từ 10 tỷ đồng trở lên; 7,6% đối với kỳ hạn 24 tháng.

Mức lãi suất huy động này của Eximbank cao hơn đến 1,2% so với lãi suất huy động tiết kiệm thông thường của ngân hàng này và có sự cách biệt lớn với lãi suất ở các ngân hàng khác, chỉ ở mức 7,2 - 7,5%/năm cùng kỳ hạn.

Nóng cuộc đua lãi suất

Cuộc đua lãi suất được một vài ngân hàng nhỏ khởi động vào cuối năm 2015 do nhu cầu huy động vốn để cho vay tăng cao. Nếu như trước đây, cuộc đua chỉ xuất phát từ ngân hàng nhỏ, thì nay đã có sự tham gia của ngân hàng lớn.

VietCapital Bank cũng vừa công bố biểu lãi suất huy động mới với mức lãi suất tăng thêm từ 0,1-0,2% với các kỳ hạn 6-11 tháng lên mức 6,7-6,9%/năm. Đồng thời, với những khách hàng gửi tiết kiệm online sẽ được cộng thêm lãi suất ưu đãi từ 0,1%/năm đến 0,3%/năm so với lãi suất thông thường ở tất cả các kỳ hạn.

BIDV cũng tăng lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng lên mức 5,5% so với mức 5,3% trước đó. Với kỳ hạn 9 tháng và kỳ hạn 364 ngày cũng được BIDV điều chỉnh tăng thêm 0,1% lên 5,5% và 6,1%.

Vietinbank cũng vừa điều chỉnh tăng thêm 0,15%/năm lãi suất tiền gửi tiết kiệm trực tuyến kỳ hạn 3 tháng trở lên so với lãi suất huy động tiền gửi VNĐ thông thường tại quầy. VPBank cũng áp dụng cộng thêm 0,2% lãi suất cho khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến so với lãi suất hiện hành. OCB cũng ưu đãi cộng thêm 0,1%/năm khi gửi tiết kiệm trực tuyến dành cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng.

Theo thống kê, hiện lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4,5-5,4%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng từ 5,4-6,5%/năm và kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.

Tuy vậy, trên thực tế, nhiều ngân hàng đã có mức lãi suất chạm trần, vượt “trần” nếu tính cả chương trình khuyến mại, lãi suất thưởng. Thậm chí, có ngân hàng còn “đi đêm” lãi suất với khách hàng thân quen của mình.

Thanh khoản ngày càng “căng”

Nguyên nhân căn cơ nhất của cuộc đua lãi suất này là do thanh khoản của hệ thống ngân hàng không còn được dư dật như trước đây. Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2015 ước tăng khoảng 18%, tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng ở mức rất cao, nhiều ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn tăng trưởng huy động.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cho rằng việc các ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động để thu hút vốn vào kênh ngân hàng là bình thường, bởi họ cũng cần vốn để đẩy mạnh cho vay.

“Việc tín dụng tăng trưởng mạnh buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động. Tuy nhiên, điều hành đi ngược với mong muốn giữ mặt bằng lãi suất cho vay ổn định như hiện nay. Mặc dù chưa có dấu hiệu hụt thanh khoản của hệ thống ngân hàng, nhưng thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang có dấu hiệu căng thẳng. Có một vài ngân hàng bị căng thẳng thanh khoản và ngày càng căng thẳng hơn”, ông Hiếu bình luận.

Thực tế, đằng sau cuộc đua lãi suất huy động cũng đang cho thấy điều đó và Eximbank là một ví dụ. Năm 2015, vốn huy động của Eximbank giảm 2,90% xuống còn 98.430 tỷ đồng, trong đó tiền gửi không kỳ hạn tăng 11,74% lên 13.871 tỷ đồng (bằng 14% tổng vốn huy động); Tiền gửi có kỳ hạn giảm 5,91% còn 83.698 tỷ đồng.

Vốn huy động bằng tiền đồng giảm nhẹ 3,31% xuống còn 83.908 tỷ đồng còn huy động bằng ngoại tệ giữ nguyên ở 14.521 tỷ đồng (giảm 0,48%). Cơ cấu vốn huy động không thay đổi nhiều với gần 85% là vốn huy động tiền đồng và 15% là vốn huy động ngoại tệ.

Điều đáng nói, tỷ lệ LDR thuần (tỷ lệ cho vay trên tổng vốn huy động) tăng nhẹ lên 86,11%, từ 85,97% tại thời điểm cuối 2014. Trong đó, tỷ lệ LDR tiền đồng tăng rõ rệt từ 81,37% lên 88,23%, trong khi đó tỷ lệ LDR ngoại tệ giảm mạnh từ 113% xuống còn 74%. Trong khi theo quy định của Thông tư 36, các NHTM cổ phần chỉ được tăng trưởng 80%.

Theo đó, Eximbank có rủi ro về thanh khoản khi có 70,27% vốn huy động khách hàng có đáo hạn trong vòng 3 tháng và 91,61% đáo hạn trong vòng 1 năm.

Mặc dù là ông lớn thuộc nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước, nhưng BIDV cũng đang đối mặt với rủi ro thanh khoản. Báo cáo tài chính hợp nhất Quý IV/2015 của BIDV cho thấy tăng trưởng huy động khách hàng chậm hơn tăng trưởng cho vay. Theo đó, tăng trưởng huy động đạt 564.590 tỷ đồng, tăng 28,18% trong khi tăng trưởng tín dụng đạt 598.450 tỷ đồng, tăng 34,21%.

Cùng với đó, tỷ lệ LDR thuần của BIDV vẫn trên 100% và cho thấy những nguy cơ về rủi ro thanh khoản. Căn cứ vào báo cáo rủi ro tiền tệ của BIDV, CTCK TP.HCM (HSC) ước tính tỷ lệ LDR thuần đối với VNĐ là 103,31% và đối với USD và các ngoại tệ khác quy đổi ra USD là 136,16%. Tỷ lệ LDR thuần cho toàn bộ các loại tiền tệ quy đổi ra VNĐ là 106% hiện là một mức rất cao so với bình quân các ngân hàng niêm yết.

Báo cáo rủi ro thanh khoản cũng cho thấy rằng BIDV là ngân hàng có mức độ tập trung cao nhất các nguồn huy động tiền gửi ngắn hạn, cụ thể là 97,5% tổng số dư huy động khách hàng của BIDV có kỳ đáo hạn còn lại trong vòng 1 năm, và 64,21% có kỳ đáo hạn còn lại trong vòng 3 tháng.

“Do đó, tình trạng thiết hụt các nguồn vốn trung và dài hạn hiện tại cùng với tỷ lệ LDR thuần đang rất cao cho thấy rằng, BIDV sẽ tương đối phụ thuộc vào nguồn vốn liên ngân hàng và kênh hỗ trỡ vốn của NHNN (ví dụ OMO). Và nếu BID muốn cải thiện tình trạng này, Ngân hàng sẽ phải áp dụng một chính sách lãi suất huy động cạnh tranh hơn nữa”, HSC phân tích.

Thực tế, BIDV đang là ngân hàng vay của NHNN nhiều nhất với số tiền là 33.961 tỷ đồng, trong khi năm 2014 chỉ vay có 1.760 tỷ đồng.

Tình trạng này cũng đang diễn ra tại nhiều ngân hàng khác, điều đó khiến không ít chuyên gia lo ngại cuộc đua lãi suất sẽ còn nóng thêm nữa. Quan trọng hơn, điều này sẽ tác động tới lãi suất cho vay.

“Lãi suất cho vay sẽ khó có thể giảm tiếp và sẽ là vấn đề nhức nhối của doanh nghiệp trong năm 2016”, ông  Hiếu nhận định.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư