Theo VCCI, thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với hoạt động cung ứng dịch vụ cần tương ứng với quy định về thời điểm lập hóa đơn của pháp luật về quản lý thuế. Ảnh: Mạnh Hà |
Cách tính DT chưa phù hợp, không thống nhất
Trong văn bản tổng hợp ý kiến của DN vừa gửi Tổng cục Thuế đóng góp cho Dự thảo TT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chỉ ra một số điểm chưa phù hợp, không thống nhất có thể gây khó khăn cho DN khi áp dụng.
Điểm b Khoản 2 Điều 5 Dự thảo TT quy định, thời điểm xác định DT để tính thu nhập chịu thuế là “thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc hoàn thành từng phần việc cung ứng dịch vụ cho người mua”. Theo VCCI, quy định này chưa thống nhất với quy định về thời điểm lập hóa đơn quy định tại TT 39/2014/TT-BTC là “ngày thu tiền” (trong trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ thực hiện thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng dịch vụ). Do đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh thời điểm xác định DT để tính thu nhập chịu thuế đối với hoạt động cung ứng dịch vụ tương ứng với quy định về thời điểm lập hóa đơn của pháp luật về quản lý thuế.
Đặc biệt, đối với DT tính thu nhập chịu thuế trong hoạt động xây dựng, lắp đặt, Điểm m Khoản 3 Điều 5 Dự thảo TT quy định, DT trong trường hợp này là “giá trị công trình, giá trị hạng mục công trình hoặc giá trị khối lượng công trình xây dựng, lắp đặt nghiệm thu”. Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng, việc quy định như vậy đưa đến cách hiểu thời điểm chịu thuế là ngày các bên ký biên bản nghiệm thu bàn giao. Điều này chưa thực sự phù hợp với thực tế, bởi thủ tục nghiệm thu bàn giao mới chỉ đạt được sự chấp thuận của hai bên về khối lượng, chất lượng công trình trên hiện trường. Dựa trên biên bản này, hai bên tiếp tục thực hiện các thủ tục hoàn công, áp đơn giá, tính toán giá trị khối lượng được thanh toán. Trong khi đó, pháp luật về xây dựng cho phép thời hạn từ 90 - 120 ngày để các bên hoàn thành các thủ tục thanh quyết toán.
Vì vậy, để bảo đảm tính hợp lý, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định trên. Theo đó, DT tính thu nhập chịu thuế trong hoạt động xây dựng, lắp đặt là “giá trị công trình, giá trị hạng mục công trình hoặc giá trị khối lượng công trình xây dựng, lắp đặt nghiệm thu và đã được thanh toán theo quy định của pháp luật về xây dựng”.
Cần bổ sung các khoản chi được trừ/không được trừ thuế
Về các khoản chi được trừ khi tính thuế thu nhập DN có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên, Điểm c Khoản 1 Điều 6 Dự thảo TT quy định, một trong các điều kiện để xác định là khoản chi này nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) hoặc chi mua hàng hóa, dịch vụ của một nhà cung cấp từng lần có giá trị dưới 20 triệu đồng nhưng mua nhiều lần trong cùng một ngày có tổng giá trị từ 20 triệu đồng trở lên khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo ý kiến của một số DN, quy định này chỉ phù hợp với các DN kinh doanh một đầu mối, không phù hợp với một số trường hợp trên thực tế. Do đó, để đảm bảo phù hợp với thực tế và tạo thuận lợi cho DN, VCCI kiến nghị Ban soạn thảo nên bổ sung một số trường hợp ngoại lệ.
Cụ thể, đối với các khoản chi được trừ khi xác định thuế thu nhập DN, VCCI đề nghị cần bổ sung thêm một số trường hợp DN được hạch toán chi phí được trừ đối với các khoản tổn thất hàng hóa, tiền do nguyên nhân khách quan như đối tác gặp các trường hợp bất khả kháng, bị phá sản...
Để đảm bảo tính minh bạch, VCCI cho rằng, Ban soạn thảo nên làm rõ, liệt kê được hết các trường hợp, hoặc là loại bỏ quy định, tránh tình trạng để các quy định ở dạng “quét”, mang tính chung chung như “trường hợp khác theo quy định của pháp luật” (Điểm d Khoản 2 Điều 5 Dự thảo TT).